Hôm sau, trước giờ vào học, tôi để trong hộc bàn ngay tầm mắt bạn ấy một món đồ bắt mắt. Sau giờ ra chơi, món đồ không còn nữa. Khi ra về, đợi bạn ấy giấu đồ lấy được trong cặp, đi ngang trước mặt, cô giáo kêu lại và chờ đến khi học trò về hết, cô mới nói chuyện. Không biết cô nói gì nhưng từ đó về sau, lớp không còn bị mất vặt nữa. Vài lần tôi tiếp tục thử nhưng bạn đều đem lên nộp cho cô giáo đầy đủ. Cô giáo của tôi sau đó nói với tôi là lấy đồ không phải của mình dù lớn hay nhỏ cũng là ăn cắp. Chỉ có gọi đúng tên thì mới diệt trừ cái xấu và qua sự việc trên, cô đã phần nào yên tâm về đường đời của bạn ấy sau này.
Lớn lên, tôi chọn đi theo nghề ngân hàng – một nghề luôn đặt sự liêm khiết lên trên vì đụng chạm đến tiền bạc. Việc bố trí, cất nhắc, đề bạt… nhất nhất đều phải qua thử thách và tuân thủ theo quy định chuẩn mực. Chỉ cần phát hiện một hành động tham ô - dù ít hay nhiều đều bị xử lý thích đáng. Nhờ vậy, thời đó - tiền do ngân hàng chi ra, con số chính xác gần như tuyệt đối. Nhiều năm liền tôi được giao phụ trách một mảng công việc của ngân hàng. Nhân viên dưới quyền gián tiếp được tôi “thử” mức độ trung thực bằng cách tự mình “thử” hay nhờ người quen biết đóng vai khách hàng để “thử” và sau thử thách là tin cậy, truyền kinh nghiệm và giao trọng trách. Cho đến khi các ngân hàng mọc ra như nấm, con người với đủ trường lớp, thành phần đều có cơ hội làm việc ở một ngân hàng. Trong đó, tôi sợ nhất là những người bỏ vốn ra mua việc, mua chức và mua xong thì phải tìm cách “gở vốn” bằng cách tham ô, tiêu cực. Những người này “thử” là dính, dính là được ở trên gở, gở xong là quay lại tìm cách ơn đền oán trả.
Lắm lúc nhìn thế sự nhiểu nhương, tôi chợt nhớ đến cô giáo cũ. Tại sao cuộc sống giờ đây vơi dần đi khó khăn của cái thời bao cấp nhưng đạo đức xã hội cũng ít nhiều suy đồi ? Phải chăng những xuống cấp đạo đức đã không bị gọi cho đúng tên như cô giáo tôi đã từng gọi - để mà ngăn ngừa, răn đe từ khi nó chỉ còn trong trứng nước ? Ăn cắp của công thì gọi là tiêu cực, ăn cắp tiền của người khác thì gọi là… sơ sót, sai phạm. Và lắm người ở vai trò lãnh đạo, còn thích những người có tì vết để dễ dàng sai khiến, dạy bảo. Nếu như gọi cho đúng tên như cô tôi từng gọi : Vụ xây nhà vệ sinh mấy trăm triệu ở một số trường các tỉnh miền Trung là ăn cắp ngân sách dành cho giáo dục. Vụ đồng hồ điện, đồng hồ xăng, đồng hồ taxi chạy nhanh là ăn cắp của khách hàng. Vụ tiêm thuốc chừa lại 40% là ăn cắp của người bệnh. Rồi các vụ vòi vĩnh bao thư ở các cơ quan công quyền là ăn cắp của người dân lương thiện… thì mới còn hy vọng một sự nâng cấp về đạo đức xã hội.
Tôi tìm được cô giáo cũ sau 38 năm bặt tin vì chuyển nhiều trường và nghỉ hưu từ lâu, giờ sống thanh bạch trong căn nhà nhỏ, ở một hẻm nhỏ của quận Bình Thạnh. Tôi đã nói với cô rằng, nhờ có những bậc thầy cô tâm huyết với nghề, với học trò như cô – nghề giáo đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là trồng người vì tuổi học trò tiểu học chúng tôi khi đó như những cây non, mà cây non thì dễ uốn. Và nhờ cô và bài học về sự trung thực năm nào đã giúp tôi dù gần 30 năm trong cái nghề cận kề tiền bạc, dù gặp lắm thăng trầm nhưng chưa bao giờ tôi làm gì phải hỗ thẹn với cô thầy.
(*) Trường Phan Văn Trị sau 1975 đổi tên thành Trường THPT Ernst Thalmann
Bình luận (0)