"Cô ấy nói tôi, giữa vợ và mẹ chỉ được chọn 1 trong 2. Mẹ là người sinh ra tôi. Bà đã cực khổ dạy dỗ, nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Chừng này tuổi, tôi chưa báo hiếu được gì cho mẹ, sao có thể làm mẹ mình đau lòng. Tôi không thể bỏ mẹ. Nhưng tôi cũng không thể bỏ vợ", đó là tâm sự của người chồng trong một vụ án ly hôn do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa xét xử.
Anh đứng bên này hành lang, phóng mắt nhìn vợ đứng ở hành lang đối diện. Dáng anh cao lêu nghêu, mái tóc dài lòa xòa sau gáy, làn da xám xịt. Anh là bị đơn trong vụ án ly hôn. Hôm nay anh đến tòa, mang theo nguyện vọng được tòa cho đoàn tụ để vợ chồng cùng nhau nuôi dạy con cái.
Người vợ là nguyên đơn trong vụ án, yêu cầu tòa cho ly hôn và giải quyết cho chị được nuôi con trai hơn ba tuổi. Người phụ nữ dáng đẫy đà, nước da trắng như trứng gà bóc.
Chọn mẹ hay chọn vợ?
Vợ chồng cưới nhau gần 5 năm nay, nhưng một nửa thời gian họ đã sống ly thân. Lý do vì chị cho rằng “không thể sống nổi ở nhà chồng”. Chị bảo chồng mình tính tình hiền lành. Chị thương anh, cũng vì cái tính ấy. Nhưng không ngờ, ưu điểm ngày nào giờ lại trở thành khuyết điểm chí mạng, khiến chị phải đến đây.
Chị nói chồng mình hiền quá. Hiền đến độ nhu nhược, không thể che chở, “bảo vệ” được cho vợ. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu ngày một trầm trọng. Chị “không sống nổi” ở nhà chồng. Mới sinh con được mấy tháng, chị phải ẵm con về nhà mẹ đẻ nương nhờ. Rồi từ đó chị sống hẳn ở ngoại, trong khi chồng chẳng có “động thái” gì muốn cứu vãn cuộc hôn nhân, cũng chưa một lần có ý định đón chị về. Đã thế, chị chỉ có nước đâm đơn ra tòa ly dị.
Tòa xử cho vợ chồng ly hôn, đứa con giao người vợ nuôi dưỡng
Trong thời gian tòa thụ lý vụ án, nhiều lần vợ chồng được tòa triệu tập đến hòa giải, thấy chồng tha thiết muốn đoàn tụ, chị đồng ý cho anh cơ hội. Chị yêu cầu anh phải xin mẹ cắt đất, để vợ chồng xây căn nhà nho nhỏ trú mưa nắng. Vợ chồng ra riêng, có rau ăn rau, có muối ăn muối. Mẹ chồng, nàng dâu không còn chung đụng một nhà như trước, mâu thuẫn cũng vì thế mà được giải quyết. Thế nhưng, cả điều đó chồng chị cũng không làm được, nên chỉ còn cách đường ai nấy đi.
Người chồng trình bày trước tòa, là phụ nữ, lẽ ra phải ăn nói dịu dàng, dễ nghe, đằng này vợ anh ăn nói bốp chát, thô lỗ, còn hỗn láo với mẹ chồng. Những lúc mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn, hai bên lời qua tiếng lại, vợ anh sẵn sàng văng tục, khiến anh bẽ mặt với mọi người trong nhà, đến hàng xóm cũng chê cười bảo anh không biết “dạy” vợ. Chưa kể nhiều lần, vợ còn “vác” dao rượt mẹ chồng, em chồng chạy trối chết. Trong khi bị đơn “tố” vợ, thì nguyên đơn ngồi lặng thinh, không có ý kiến.
Anh nói nhìn cách vợ sống, cách vợ đối xử với mẹ, với em mình, tình cảm trong anh cứ chết dần chết mòn theo ngày tháng. Đến giờ, tình cảm không còn, nhưng bao nhiêu lần anh có ý định làm đơn bỏ vợ, nhưng nghĩ con còn thơ bé, đã chịu cảnh tổ ấm xé đôi, nên anh không đành lòng. Cứ thế mà cắn răng nhẫn nhịn.
“Cô ấy nói tôi, giữa vợ và mẹ chỉ được chọn một người. Mẹ là người sinh ra tôi. Bà đã cực khổ dạy dỗ, nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Chừng này tuổi, tôi chưa báo hiếu được gì cho mẹ, sao có thể làm mẹ mình đau lòng. Tôi không thể bỏ mẹ. Nhưng tôi cũng không thể bỏ vợ”, người chồng “méc” với HĐXX.
Nguyên đơn nói giờ mình đã hết thương chồng. Chị cũng không muốn về nhà “bên ấy”. Chị chỉ muốn anh “giải phóng” cho mẹ con chị. Tòa hỏi anh, nếu vợ không còn thương chồng, vậy anh có đồng ý sống chung với chị? Còn thương chị? Anh lắc đầu, nói tình cảm anh đã “chôn chặt” từ lâu. “Tôi chỉ vì con. Không còn tình cảm với vợ”.
Tòa: “Nếu là vì con, thì phải cố gắng tìm mọi cách hàn gắn cuộc sống. Yêu thương, tôn trọng nhau. Vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, hòa thuận, thì mới cho con cái môi trường tốt để phát triển được. Chứ mạnh ai nấy sống như thế, sao có thể nói vì con cho được? Giờ chị xin ly hôn, anh tính sao?”. “Nếu vợ tôi đã khăng khăng xin ly hôn, vậy tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn được chăm sóc đứa con”.
Người vợ nghe anh giành nuôi con thì giãy nãy. Chị bảo anh tối ngày say xỉn, tòa nhất định không được giao con chị cho anh nuôi. “Anh đi suốt ngày, lại nhậu nhẹt như rứa, thì bỏ con cho ai chăm sóc. Tôi không muốn con theo bố la cà trên bàn nhậu. Khi anh uống quá chén, chở con gặp tai nạn thì làm thế nào? Anh đền được con cho tôi không?”, người vợ quắc mắt nhìn.
Vợ bài bạc, chồng rượu chè
Người chồng bảo mình mở xưởng mộc.Tính chất công việc khiến nhiều lúc anh phải uống chút bia rượu. Nhưng nếu nuôi con, anh nhất định sẽ thay đổi. Anh cho rằng chị mới “không đủ tư cách để nuôi con”.
Lý do, vợ anh quá ham mê bài bạc. Chị làm mẹ, nhưng 365 ngày, không nấu được cho con vài bữa cơm. Những lúc thắng bạc, chị mua cơm hàng cháo chợ cho con ăn. Những lúc thua bạc, chị ôm tô sang nhà người quen xin cơm, rồi chan vào chút nước kho cá. Có bữa anh về, thấy con ngồi trơ mắt nhìn tô cơm chẳng chịu ăn, vì không có canh nên nuốt không được. Anh nhìn con, mà xót hết cả lòng.
Vợ anh vì nướng hết thời gian vào sòng bài, nên cứ vứt con lăn lóc cho ông ngoại. Thằng bé chẳng mấy khi được mẹ tắm rửa, chăm sóc cho tử tế. “Con còn nhỏ thế, nhưng cô ấy thích đi Đà Nẵng, Hội An là xách xe lên đi, có khi cả tuần hoặc mười ngày mới về, mặc kệ con ở nhà với ngoại khóc nhớ mẹ cũng không hay.
Có lúc cô sang Lào chơi, cả tháng mới về. Một người mẹ như thế, sao tôi có thể giao con mình cho cô ấy nuôi? Chưa kể bây giờ, con còn bé thế nhưng cô ấy nói con cũng chẳng nghe”, người chồng “tố”.
Anh bảo, môi trường ở nhà vợ lộn xộn, không phù hợp để trẻ con phát triển. “Cô ấy đi đánh bài, không gửi được con thì mang theo con. Con tôi còn nhỏ, suốt ngày tiếp xúc với bài bạc, sau này lớn lên, cháu sẽ phát triển thành người thế nào đây?”, anh nhìn vợ, rồi nhìn HĐXX hỏi.
Người vợ “cãi”, chị không hề bài bạc như lời chồng “tố”. Tòa hỏi người chồng, có bằng chứng không? Anh quả quyết sòng bài mà vợ anh tham gia, nhiều lần mở ngay trong nhà cha vợ. Bực bội vì vợ cứ suốt ngày “mài quần” trên chiếu bạc, không chịu làm ăn, lại bỏ bê con cái, nên mấy lần anh phải “nhờ” công an phường về “hốt” sòng bài.
Tòa: “Chị không đánh bạc, sao chồng chị lại khai như thế?”. Nguyên đơn bảo, chồng chị “thích nói gì thì nói”, nhưng một hai không nhận mình có đánh bài. Chị nói, con mình còn nhỏ, mẹ nuôi dưỡng là tốt nhất. Chưa kể, phụ nữ bao giờ cũng chăm sóc con cái tốt hơn đàn ông.
Nữ thẩm phán phản bác, bảo phụ nữ không phải ai cũng chăm sóc tốt cho con. Những phụ nữ tối ngày chỉ biết đến nhu cầu của bản thân, ham chơi bời, thì chưa chắc đã chăm con tốt bằng đàn ông.
Cãi vã giành quyền nuôi con
Quyết giành bằng được quyền nuôi con, nên người chồng tiếp tục đưa ra lý lẽ, anh có công việc đàng hoàng, có thu nhập ổn định. Anh hoàn toàn đủ điều kiện nuôi con. Trong khi đó vợ anh không nghề ngỗng, lấy đâu ra thu nhập để nuôi con.
Chị nhìn chồng, nguýt một cái dài. Chị nói anh có nghề mộc, nhưng anh ham chơi hơn ham làm, nên cũng chẳng kiếm được đồng nào. “Người ta có nghề nghiệp thì lo chí thú làm ăn, mới kiếm ra tiền. Chứ chồng tôi suốt ngày chỉ nhậu nhẹt, say xỉn, có nghề cũng như không?”.
Anh nhìn chị hất hàm, “Từ lúc tôi cưới cô ấy về, cô đi làm được mấy bữa rồi mang bầu phải nghỉ ở nhà. Sau đó sinh con, cũng phải ở nhà chăm con. Suốt mấy năm đó, kinh tế của hai vợ chồng do ai gánh vác, tòa không cần suy nghĩ cũng biết. Từ trước đến giờ, là tôi nuôi cô ấy. Hai năm trước công việc làm ăn có chút khó khăn. Xưởng mộc của tôi bị người ta “chạy làng” tiền. Kinh tế hai vợ chồng mới có chút thiếu hụt”.
Tòa hỏi chị làm gì để nuôi con. Chị nói mình có nghề bán bún. Chỉ cần một gánh bún buổi sáng, chị cũng kiếm được từ 100 đến 200 ngàn đồng, có thể nuôi con. “Cô ấy có nghề bún, nhưng có làm được đâu. Từ ngày mới cưới đến nay, cô ấy bán chẳng được mấy ngày. Tôi mở cho cô quán nào, là sập tiệm quán đó. Cô đi bán cho người ta, chỉ dăm bữa là nghỉ. Vì cô mải chơi, đâu có chí thú làm ăn”.
Rồi người chồng kể, cũng chỉ vì vợ mê bài bạc, nên tiền chi tiêu đưa cho vợ, anh cũng phải “rót” nhỏ giọt. Bởi đưa ít hay đưa nhiều, chị đều ném vào chiếu bạc cả. “Không phải tôi keo kiệt hay chi ly. Nhưng đưa tiền cho cô ấy như ném tiền vào cái thùng không đáy. Hôm nay đưa vài triệu, ngày mai cũng hết. Hôm nay đưa vài trăm, ngày mai cũng hết. Thay vì đem tiền sắm sửa trong nhà, chăm sóc cho con, thì cô đem đi đánh bạc hết”, người chồng thở hắt ra đầy ngán ngẩm.
Cứ thế, vợ chồng “tố qua tố lại”, cãi nhau ầm ĩ, quyết “giành” con cho bằng được. Kiểm sát viên phải vào cuộc khuyên nhủ: “Cha mẹ đừng nên giành nhau nuôi dưỡng, mà hãy làm tấm gương tốt để con noi theo. Dù không hợp nhau, không ở với nhau, vẫn có thể nuôi dạy con nên người”.
Sau khi nghị án, xét đứa bé chỉ mới 38 tháng tuổi, còn quá nhỏ nên tòa giao cho mẹ chăm sóc. Người mẹ không yêu cầu cấp dưỡng. Người cha được quyền lui tới thăm nom, chăm sóc, không ai được ngăn cản.
Bình luận (0)