Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa chị NTH (SN 1978) và anh NTD (SN 1975).
Trước đó, tháng 8-2017, hai người thuận tình ly hôn ở TAND quận Thủ Đức. Do tòa sơ thẩm quyết định giao con cho chị H. nuôi nên anh D. kháng cáo giành quyền nuôi con.
Tại phiên xử phúc thẩm, anh D. không đồng ý cho con theo chị H. vì anh cho rằng chị “thiếu đạo đức”. Anh dẫn chứng: “Có lần tôi phát hiện trên người vợ có mùi mồ hôi lạ, không phải của tôi, không phải của vợ tôi thì chắc chắn là thằng kia…”. Tiếp đó, ngay trước mặt HĐXX, anh tuôn ra một tràng sỉ nhục vợ rất thô tục.
Ngồi kế bên, chị H. im lặng lau nước mắt. Qua lời chị, hóa ra họ từng có một chuyện tình đẹp và một giai đoạn hôn nhân hạnh phúc.
Chị kể chị từ Phú Yên vào TP.HCM làm công nhân thì quen anh D. (đồng hương, cũng làm công nhân). Dù anh bị dị tật bẩm sinh (teo cơ chân trái), chị vẫn yêu và quyết làm vợ anh. Họ cưới nhau rồi sinh được một bé trai bụ bẫm. Chị nhận hàng may gia công về làm tại nhà, vừa có thu nhập vừa tiện chăm sóc chồng con.
Cuộc sống lẽ ra êm đềm thì anh đưa một người đàn ông cùng công ty về ở chung nhằm chia sẻ tiền thuê nhà. Mâu thuẫn phát sinh từ đó. Anh nghi ngờ vợ và người đàn ông này dan díu với nhau. Anh đi nhậu rồi về gây gổ. Người đàn ông ấy đã dọn đi nhưng sóng gió gia đình không dừng lại. Anh nghỉ việc, bỏ về quê nhưng vẫn không ngừng đay nghiến chị… Không chịu nổi, chị nộp đơn xin ly hôn.
HĐXX cho rằng anh D. đơn phương nghi ngờ vì không có chứng cứ và yêu cầu anh không được xúc phạm chị H. “Vậy trách nhiệm của tòa ở đâu? Tại sao tòa không đến tận nơi xác minh? Một người đàn bà thiếu đạo đức như vậy làm sao mà dạy con!” - anh D. lớn tiếng “quạt” HĐXX.
Đại diện VKS giải thích cho anh D. hiểu nghĩa vụ chứng minh là của đương sự, khi nào đương sự không chứng minh được và có yêu cầu thì tòa sẽ xem xét, nếu xét thấy cần thiết thì tòa sẽ gửi văn bản xác minh.
Bỏ qua thái độ của anh D., HĐXX động viên chị H.: “Chị còn trẻ, còn có thể lập gia đình và sinh con. Anh dù sao cũng tật nguyền, hay chị cho anh nuôi con để làm niềm an ủi?”. Chị H. phân trần: “Tôi chỉ nghĩ cho con chứ đâu muốn tranh giành gì. Bé mới được hơn bốn tuổi, còn nhỏ quá. Anh ấy tật nguyền, nghiện rượu, công việc không ổn định thì làm sao chăm sóc con. Tôi muốn nuôi cho con lớn thêm chút nữa rồi nó muốn về với cha thì về chứ con làm sao mà mất đi được!”.
Anh D. đồng ý cho vợ nuôi với điều kiện phải đưa con về quê cho anh tiện thăm nom. Chị H. không đồng ý vì quê nhà đang lũ lụt, chị ở đây có việc làm, thu nhập ổn định, về quê thất nghiệp là con lại khổ… Anh D. lại phẫn nộ lên và bắt đầu xúc phạm, đay nghiến chị…
Hòa giải bất thành, cuối cùng HĐXX ra phán quyết là giao cháu bé cho chị H. nuôi dưỡng.
Bình luận (0)