Vừa hoàn tất thủ tục ly hôn chưa đầy 1 năm, ông N.H.A. và bà M.T.L. tiếp tục đưa nhau ra tòa. Ông A. khởi kiện, đòi bà L. bồi thường hơn 2 tỉ đồng. Ông cho rằng đây là số tiền mình tổn thất do bà L. yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản trong lúc hai người giải quyết thủ tục ly hôn.
Phiên tòa hậu ly hôn
Tại tòa, nguyên đơn trình bày trước khi ly hôn, bà L. tự nguyện tặng cho ông một căn hộ ở quận 7 (TP HCM). Sau khi xác lập tài sản riêng, ông A. rao bán căn hộ để trang trải nợ nần trong gia đình. Ngay sau đó, ông nhận cọc hơn 2 tỉ đồng. Khi nộp đơn ly hôn, hai bên thỏa thuận tự giải quyết tài sản chung.
Trong thời gian chờ phán quyết vụ ly hôn, bà L. làm đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản là căn hộ ở quận 7 kể trên.
HĐXX vụ án ly hôn chấp nhận yêu cầu của bà L.
"Sau khi tòa ra quyết định, tôi không thể sang nhượng căn hộ. Vì thế, tôi phải trả tiền cọc và bồi thường số tiền lên đến hơn 4 tỉ đồng", ông A. bức xúc.
Cho rằng mình chịu thiệt hại nặng nề từ việc vợ cũ yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản, ông A. khởi kiện đòi bồi thường.
Không chấp nhận lời lẽ của chồng cũ, bà L. đối đáp: "Lúc tan vỡ, tôi chỉ mong yên ổn nuôi con. Nhưng ông ấy bội tín và gây áp lực chuyện phân chia tài sản. Vì thế, tôi đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa những tài sản do chúng tôi tự thỏa thuận trước đó, trong đó có căn hộ trên".
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Bà L. cho biết thêm trong quá trình giải quyết hôn nhân, cả hai đều xác định không có nợ chung. Do đó, ông A. khai bán căn hộ để trả nợ cho hai người là không đúng sự thật.
Tòa ký quyết định, dân bồi thường?
Trong phần tranh luận, luật sư phía bị đơn lập luận việc ông A. sang nhượng tài sản trên không liên quan đến bà L. Đồng thời, yêu cầu của bà đã được tòa chấp nhận theo đúng quy định. Vì vậy, bà L. không có trách nhiệm gánh chịu hậu quả pháp lý trong giao dịch liên quan đến căn nhà.
Ông A. bảo lưu quan điểm đòi bồi thường thiệt hại.
Sau khi nghị án, HĐXX khẳng định bị đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khiến nguyên đơn không thể thực hiện hợp đồng sang nhượng; dẫn đến hậu quả bồi thường hợp đồng.
HĐXX nhận định khi đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà L. đã biết căn hộ không còn là tài sản chung và lường trước hậu quả nếu đề nghị sai căn cứ. Điều này thể hiện trong nội dung đơn yêu cầu bà gửi tòa án và việc đóng 2 tỉ đồng thực hiện biện pháp bảo đảm. Trong đơn khởi kiện cũng như tại phiên xử, ông A. chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra từ yêu cầu của bà L. Vì những lẽ trên, bà L. phải có trách nhiệm bồi thường hơn 2 tỉ đồng.
Theo quy định về trách nhiệm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường…
Tòa án chỉ bồi thường trong những trường hợp, như: tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác cùng với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu.
Bình luận (0)