Được áp giải đến tòa trong chiếc áo sơ mi màu nâu, quần tây đen, người đàn ông vấp víu chân nọ chân kia, ngơ ngác vào phòng xử. Mấy ai có thể ngờ người đàn ông trông hiền lành ấy lại bị xét xử về tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh".
Cuộc nhậu vạ miệng
Cả bị cáo và những người dự khán là người thân của bị cáo lẫn bị hại đều không bao giờ nghĩ mình có ngày lại vào chốn pháp đình. Để nghe chuyện người quê mình giết người-càng không tưởng! Khi xa quê, đồng hương thương nhau không hết, có đâu hại nhau…Ấy thế mà đã có chuyện đau lòng xảy ra từ một cuộc nhậu.
Rời quê, Nguyễn Nam (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào TP HCM kiếm sống, những mong cuộc sống ngày một khá hơn. Rong ruổi trên những cung đường, anh làm quen với Phạm Văn Chiến (32 tuổi) cùng là tài xế, lại là đồng hương với nhau. Họ đồng cảm, đồng cảnh sau những chuyến đi vất vả, nhớ vợ nhớ con, nhớ từng món ăn, bờ ruộng quê nhà. Rồi gần 1 năm trước, sau khi đã chở hàng hóa về bãi, Nam cùng Chiến và một số đồng nghiệp rủ nhau nhậu. Rượu vào lời ra. Đến lúc tính tiền, Chiến đứng dậy chửi thề và gây sự với Nam vì Nam muốn về.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu Chiến không liên tục kêu tên người cha quá cố của Nam ra chửi, mặc cho Nam nhắc nhở. Không dừng lại, Chiến còn khiêu khích: "Tao thích nói, mày làm gì tao". Bạn nhậu này còn xông lên định đánh Nam nhưng được mọi người can ngăn. Bực tức Chiến chỉ tay vào mặt Nam và gằn giọng: "Bữa nay tao giết mày".
Nam về đến bãi đậu xe, Chiến đuổi theo, tiếp tục xúc phạm người cha quá cố của Nam rồi xông vào hành hung. Nhát dao của Nam đã kết thúc tất cả. Chấm dứt một cuộc nhậu quá đà và kết thúc một cuộc đời ly hương...
Bị cáo Nguyễn Nam tại phiên tòa
Hai năm của một đời
Nghe đại diện VKS đọc bản cáo trạng buộc tội và HĐXX chất vấn bị cáo, bên dưới có một người phụ nữ lặng lẽ trong mệt mỏi, đôi mắt đỏ hoe với tấm di ảnh. Mẹ của Chiến chỉ biết khóc vì sự ra đi đột ngột của con là nỗi đau quá lớn đối với bà.
Chủ tọa nghiêm giọng hỏi bị cáo: "Đều là đồng hương, lại ở gần nhà, cùng vào Sài Gòn làm ăn, đáng lý ra anh em phải bảo ban nhau làm ăn, sao chỉ vì một lời nói mà bị cáo xuống tay với Chiến?". Nam lặng người một lúc, rồi khẽ cất giọng ngập ngừng: "Bị cáo biết lỗi, lẽ ra bị cáo không nên làm vậy...".
Vị chủ tọa dịu giọng, phân tích: "Trong vụ án này, bị hại cũng có một phần lỗi nhưng cách bị cáo dùng dao đâm bị hại để ngăn không cho bị hại hành hung là vi phạm pháp luật. Bị cáo còn có nhiều cách khác, chứ không phải để đến nông nỗi này"
Trước những lời buộc tội của VKS, Nam chỉ biết cúi đầu nhận tội, tuyệt nhiên không một lời biện hộ như một sự ân hận về hành động sai trái của mình. Rồi Nam quay người về phía gia đình người bị hại xin lỗi trong nước mắt, dù rằng tất cả đã quá muộn màng.
Giờ nghị án, Nam ngồi lặng lẽ trong phòng xử nhìn ra ngoài. Mẹ Chiến vận chưa nguôi cơn tức. Bà nức nở, thét lên: "Nó chửi, nó đánh cho hả dạ cũng được, sao phải cầm dao…". Nghe những lời trách móc đó, bị cáo dựa vào vách tường, hai tay bấu mạnh vào đùi, những giọt nước mắt lại chảy thành dòng. Án tù cũng chưa hết tội.
Phiên tòa khép lại với mức án 2 năm tù dành cho bị cáo. Nam lơ ngơ bước ra dưới cái nắng chói lòa. Hai năm rồi cũng sẽ qua nhanh nhưng nỗi ám ảnh về bữa nhậu chết người đó sẽ còn mãi. Và còn đau đáu ánh mắt của một bà mẹ quê, chờ mong nhưng mãi không thấy con trở về…
Bình luận (0)