Từ việc đi lại khó khăn, ông Nguyễn Văn Hào (tên thường gọi là Ba Hào, 63 tuổi, ngụ xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã có sáng kiến bắc cầu khỉ bằng tre khiến mọi người đi qua ai cũng thích thú. Còn ở xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhiều hộ dân đã chế tạo ra "cáp treo" vận chuyển hàng tạp hóa qua sông thay cho xuồng ghe với chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng.
Mỗi bên cầu có hàng chục trụ tre
Bán hàng bằng "cáp treo"
Trước đây, để vận chuyển hàng hóa qua sông phải bơi ghe, bơi xuồng rất vất vả nhưng từ ngày chiếc "cáp treo" ra đời, công việc mua bán của người dân vùng sông nước trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Là một trong những người sáng chế ra cách giao hàng độc đáo này, ông Ngô Văn Tấn (61 tuổi, ngụ ấp Thắng Mỹ, xã Phụng Hiệp) cho biết: "Việc bán hàng bằng cáp treo của gia đình diễn ra 3 năm nay. Trước đây, mỗi lần có ai bên kia sông mua hàng là phải bơi ghe rất cực nhọc, bởi mỗi lần như vậy mất ít gì cũng 10 phút. Từ ngày có nó, mỗi lần bán chỉ mất 2 phút mà trọng lượng hàng vận chuyển lên đến 15kg. Ngoài những mặt hàng nhỏ lẻ như bánh kẹo, thẻ cào, bột ngọt…, chiếc "cáp treo" này còn giao hàng hóa nặng như bia, gạo…".
Theo lời ông Tấn, chiếc "cáp treo" của gia đình được tạo nên bởi vành xe làm bánh quay, ròng rọc, dây gân, trụ bê-tông làm trụ đỡ hai bên sông, chiếc sọt nhựa… với chi phí khoảng 500 ngàn đồng. Việc quay bánh xe tốc độ sẽ nhanh và khối lượng nặng hơn chục lần so với kéo tay. "Cũng thất bại nhiều lần mới tạo ra được. Ban đầu, chế bánh xe loại lớn, kéo bị đảo nên sau đó chuyển sang bánh nhỏ, ròng rọc loại 30cm chuyển sang 100cm, dây chịu lực loại gân chuyển sang dây kẽm để kéo được vật nặng và bền. Đối với dây gân cứ 6 tháng thay một lần, bởi mỗi ngày kéo bán hàng cả trăm lượt. Từ ngày có nó, việc bán hàng cho 40 hộ dân bên kia sông được thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện bán hàng bằng hình thức này cũng xuất hiện nhiều trên địa bàn xã Phụng Hiệp, riêng ấp Thắng Mỹ là 6 chiếc", ông Tấn chia sẻ.
Vành xe được chế thành bộ phận quay của "cáp treo" và hàng được chuyển bằng "cáp treo"
Vành xe làm bánh xe để quay, còn hai sợi dây được cố định bởi 2 ròng rọc. Khi quay bánh xe, cái sọt chạy qua chạy lại để khách nhận hàng của mình. Buôn bán rất thuận lợi nhưng do không trực tiếp giao hàng cho khách nên người mua tự động bỏ tiền vào sọt trước khi nhận hàng.
Ngoài những hộ làm "cáp treo" quay bánh xe còn có những hộ kéo thủ công. Bà Lê Thị Kim Nghĩa (58 tuổi, ngụ ấp Sậy Niếu, xã Phụng Hiệp) cho biết: "Cách nay 2 năm, đứa em có làm cho ròng rọc để vận chuyển hàng hóa bán qua lại bên kia sông, bởi ở đây có cầu khỉ mà tới mùa mía là bị tháo dỡ, trong khi đó bơi ghe rất cực. Ròng rọc chủ yếu kéo tay nên chi phí bỏ ra cũng chỉ vài chục ngàn đồng mà người mua rất thích vì khỏi cần lội xa".
Quen với cảnh chiếc sọt nhựa chạy qua lại để giao hàng, bà Nguyễn Yến Ngọc (ngụ ấp Mỹ Lợi 3, xã Hiệp Hưng) nói: "Ngày nào cũng mua đồ ở tiệm tạp hóa nhưng không cần lội bộ vài trăm mét hoặc bơi xuồng như trước, bởi ở xóm này cần là họ chuyển qua bằng "cáp treo". Mặt hàng những tiệm này đa dạng lắm như: bánh kẹo, nước đá, bột ngọt cho đến gạo, lúa, nhưng với điều kiện phải bỏ tiền vô sọt trước. Không chỉ người lớn mà mấy đứa nhỏ mua vài cục kẹo, ít ngàn bánh họ cũng bán".
Cầu tre trăm trụ
Nhiều người đi qua kênh Lộ Đá (thuộc ấp 10, xã Trinh Phú) không khỏi ngạc nhiên bởi cây cầu có gần 100 trụ tre được cắm chi chít. Cầu này được lão nông Ba Hào bắc cách nay nhiều năm. Bề mặt cầu được làm bằng thân cây bạch đàn nhưng điều khác biệt là số trụ cầu bằng thân tre xiêm nhiều gấp hàng chục lần so với những cây cầu cùng loại. Nói về nguyên nhân hình thành cầu, ông Hào cho biết: "Nhà tôi cách cầu bê-tông 800m nên mỗi lần muốn qua sông phải chạy đường vòng, trong khi đó lộ đất gặp mưa thường lầy lội. Do vậy bỏ tiền mua bạch đàn rồi đốn tre nhà để làm cây cầu qua sông chủ yếu là phục vụ việc qua lại của gia đình. Mấy năm nay, cầu khỉ nhà ông Út Hết bị hư nên người dân đổ xô lại qua cầu này, buộc phải gia cố thường xuyên. Giờ đây nó phục vụ việc qua lại của 15 hộ gia đình với hàng trăm lượt mỗi ngày".
Dẫn chúng tôi ra cây cầu "có một không hai" ở miền sông nước Cửu Long, ông Ba Hào cho biết thêm: "Tôi bắc cây cầu ngang Lộ Đá đã mấy chục năm qua nhưng số trụ tre cắm chéo ngày càng nhiều chỉ khoảng 4 năm nay. Những cây cầu khỉ xung quanh có vài trụ còn cầu này có hơn 100 trụ, bởi cứ 6 tháng là cắm thêm một lần nhằm đảm bảo việc đi lại của bà con hai bên bờ".
Cây cầu khỉ "siêu độc" của ông Hào có chiều dài 35m, cao 4,5m, được thiết kế gồm 3 nhịp làm từ thân cây bạch đàn. Để chịu lực, ông cắm 10 trụ gỗ thẳng đứng và gần 100 trụ tre được xóc chéo với tổng chi phí bỏ ra trên 3 triệu đồng. Dù làm từ những cây tre nhỏ nhưng số lượng tre rất nhiều đã giúp cây cầu có thêm phần chắc chắn. Ngoài số trụ "khủng", lan can cầu được thiết kế đặc biệt với 3 lớp tay vịn từ thấp đến cao để người lớn và trẻ em đều bám được khi qua cầu. Nhiều người chứng kiến cây cầu độc đáo này còn so sánh với cầu Cần Thơ vì số trụ nhiều gần gấp đôi.
Ngoài phục vụ cho cho người dân qua lại, nó còn đảm nhận chức năng nối đôi bờ để bà con gánh các loại nông sản như chuối, bưởi, xoài, nhãn… giao thương. Người dân mong mỏi có cầu bê-tông để đi nhưng ước mơ ấy vẫn chưa thể thực hiện, do vậy cứ thấy trụ tre bị hư là trụ mới được cắm vào, cứ thế số lượng tăng nhanh theo năm tháng.
Bình luận (0)