Khăm Phết hả, biết chứ, em đưa khách đến nhà ổng hoài mà. Ổng thì ai chả biết - anh taxi gạt đi khi chúng tôi lúng túng đọc địa chỉ. Cả vùng này biết ổng, dân taxi, xe thồ gì biết hết.
- Ổng làm gì nổi tiếng dữ vậy?
- Chả biết, nhưng ổng vui lắm, người Tây Nguyên thứ thiệt mà, gặp nhậu hoài…
Một người đàn ông tuổi chừng hơn ngũ tuần, phốp pháp, đẫy đà trong chiếc áo thun trắng hồ hởi ra đón. Cởi mở, cười toác ra, rất hiền. Nắm bàn tay mập mạp hơi chai sần của ông, hỏi: Khăm Phết hả? Lại toét cười, hà hà kéo vào nhà.
Việc đầu tiên khi gặp chính chủ là check vài thông tin còn “cãi nhau” trên mạng. Ông là con thứ mấy của Ama Kông và tại sao được chân truyền nghề làm thuốc nổi tiếng này? Thông thường các cụ trao sự nghiệp cho con trai trưởng mà?
- Thứ 11- Khăm Phết nói cụt lủn, thẳng ngay vào câu hỏi.
Cụ Ama Kông khuất núi lúc 103 tuổi, có tới 21 người con… Ama nghĩa là cha, Kông là tên con trai trưởng Y Kông. Gọi cụ là Ama Kông là gọi theo con thành tên, như nhiều vùng vẫn gọi bố thằng Tý, mẹ cái Hĩm vậy.
Ề à câu chuyện, Khăm Phết giải thích: “Tôi ở giữa, trên có 10 người, dưới có 10 người, nhưng chỉ có hai con trai, anh cả Y Kông và tôi. Bố tôi có hai nghề làm rừng và làm thuốc, cụ truyền cho cả hai con trai.
Nhưng tiếp nhận được hay không là do duyên số. Anh Y Kông thích nghề rừng, làm rừng giỏi, rồi đi làm ăn xa. Tôi học làm rừng hoài không được, nhưng lại có duyên với nghề thuốc, nên mỗi người làm một nghề của cha để lại”.
"Vua voi” khi còn sống và con trai thứ 11 Khăm Phết Lào - người thừa kế bài thuốc A Ma Kong.
Cái nghề thuốc này, suốt ngày lặn lội trong rừng, lần hồi tìm, hái, lượm nhặt lá, vỏ, rễ cây về phơi, ngâm, sao tẩm… làm thành thuốc, thuốc của rừng.
Chữa được nhiều bệnh rất hiệu nghiệm, tiếng lành đồn xa, Ama Kông trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Riêng cánh đàn ông, nghe thấy thuốc Ama Kông là sáng mắt lên, không bệnh gì cũng đua nhau uống, cứ như vớ được thần dược làm tăng sức chiến đấu, làm tiêu tan cái khoản chồn chân mỏi gối…
- Mới đầu mình không biết đâu - Khăm Phết kể - chỉ là thuốc sắc uống cho khỏe người thôi mà. Bà con ai đau yếu, xanh sao, mệt mỏi, đau khớp chồn chân… mình cho thuốc uống, để khỏe người thôi…
Mới đầu giúp người thân, rồi ai cần thì giúp… Về sau người ta mới nghiên cứu, bảo trong bài thuốc có chất này chất kia, nghe ù hết cả tai. Cái chất ấy, làm tráng dương bổ thận, nên đàn ông ưa chuộng… Thuốc thiên nhiên, của trời, của rừng cho, không có hóa chất gì nên người ta ngày càng thích…
Làm thuốc phải “có tay”.Cũng có người tìm, biết vài cây thuốc này. Nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Thí dụ đơn giản nhất: loại cây gì phải hái ở đâu, lúc nào. Cái lá, cái rễ cây, hái nhặt sai thời điểm thôi cũng mất tác dụng…
- Ông được cha truyền nghề, có bí quyết gia truyền, thế cha ông, cụ Ama Kông, học được nghề thuốc này ở đâu ra vậy?
- Có học ai đâu, có biết chữ đâu. Chỉ đi rừng, chăn voi, thấy con voi nó hay cạ người nó vào đâu, vào loại cây gì, lúc đau bụng hay đau ốm nó kiếm cái lá gì ăn… Mình ở lâu với nó, theo dõi nó, làm theo nó rồi từ từ chế ra thuốc… Con voi nó to khỏe nhất rừng còn khỏi, bệnh nặng còn tự chữa được… Con người mình cứ ăn theo nó là được thôi mà…
Ở nhà tôi voi như gà, buộc ở vườn - Khăm Phết kể - Nhưng chúng cũng đủ thứ bệnh đấy, như người thôi. Tôi chữa bệnh cho voi bằng ổ mối. Lúc đi học mới biết ổ mối có chất khoáng...
Không biết chữ, chỉ chữa theo cách riêng thôi. Lấy ổ mối trộn với thuốc cây lá, bẻ mấy cái cây rừng thọt vào voi, chỉ thế thôi. Hôm ra Hà Nội, con voi đoàn xiếc bệnh, nhưng lúc tôi vừa đến, con voi tự nhiên chào như quen biết đã lâu. Voi có linh cảm như người ấy, rồi nó vui, nó khỏi bệnh.
Chuyện Ama Kông chăn voi, rồi trở thành Vua Voi trở thành một huyền thoại, ai ở Tây Nguyên cũng biết. Trong kháng chiến, ông đem đàn voi của mình đi tải đạn, tải lương thực cho bộ đội.
Rồi theo voi, ông tìm cây lá làm thuốc chữa bệnh cho bộ đội trong rừng. Nhà ông treo đầy huân chương, ảnh chụp với các lãnh đạo đất nước.
- Vua mà, bà con dân tộc tôn làm vua, vua được kính trọng và nhiều quyền lắm, nói gì bà con tin, làm theo - Khăm Phết cười hì hì…
- Thế bây giờ, ông từ hoàng tử được truyền nghề lên thái tử, cũng có uy tín, ông làm gì?
- Mình chẳng làm gì đâu, chơi thôi - Khăm Phết bảo - đi uống rượu với bạn bè thôi.
Suốt ngày uống rượu, toàn uống rượu nhà mang theo, hề hà chơi với đời, vui với bạn. Ở Buôn Ma Thuột này, quán nào ông cũng nhậu, quán nào cũng biết ông. Nhậu suốt, nhưng không “lầy”, chỉ nhâm nhi cho vui và khỏe. Ly rượu của ông, đậm mùi thuốc, thơm, ngòn ngọt, mùi rượu chỉ thoang thoảng.
Nhưng Khăm Phết bảo, rượu thế thôi, quan trọng là phải sống vui nó mới khỏe. Cứ sống vô tư đi, sống với núi rừng, vui với tiếng chim, gió ngàn, không giận làm gì là khỏe.
Say thì thế nào? À, cứ thế này thôi là say rồi đấy. Khăm Phết tỉnh như sáo, vững chãi ngồi thẳng, chuyện nào cũng chiết ra chuyện ấy, hà hà hỉ hả. Thế là say rồi đấy, thế thôi.
Cứ khề khà thế, toàn điện thoại điều khiển từ xa. Bệnh ấy à? bốc cái này, trộn cái kia, bảo con gì nó làm cho…
Ngồi một lúc, điện thoại của Khăm Phết tít liên hồi, người gọi liên tục đến hết pin. Giờ mới hiểu tại sao hẹn hò ông khó thế.
Nhà sàn gỗ đỏ, kiểu nhà rông, tỷ mỷ nuột từng chi tiết, đánh bóng, được rào như hàng rào ở phố. À, làm cái nhà ấy chỉ để lưu giữ cái nhà truyền thống, tiếp khách long trọng thôi.
Đối diện cái nhà sàn là cái nhà rất bình thường để tiếp khách. Một cô gái nói tiếng Kinh rành rọt: Bác ý đi vắng rồi, hay đi lắm. Không biết đâu, đi lâu mới về.
Ai vậy? À, cô cháu bên vợ. Cho nó coi nhà, tiếp khách - Khăm Phết nói. Có gì nó điện thoại. Vợ ông là người Ê đê mà, sao cô gái này nói tiếng Kinh giọng Bắc rành vậy? À, à, cháu bên vợ đó mà…
“Tay chơi ngang tàng” trên cao nguyên cứ chất phác chậm chuyện này sang chuyện kia, chấm chấm.
Chất “tộc” hội nhập với chất Kinh hiện đại. Đầu lúc nào cũng mũ phớt vành nhỏ, áo phông trắng cộc tay vạm vỡ, cánh tay mập mạp chắc như bắp. Trên tay trái, xăm một chữ lớn bằng tiếng Kinh: Khăm Đi. Nghĩa là gì vậy Khăm Phết? À, tên mà, cái tên khác.
Khăm Phết bí ẩn phết, lãng đãng kể. Ừ, vợ mình người Ê đê, xưa là phải theo mẫu hệ, ở nhà vợ, mọi thứ vợ quyết. Nhưng mình nay mua đất làm nhà ở riêng rồi. Mình là người M’Nông. Đúng ra gốc Lào, đời ông cố gốc Thái…
Con voi đi trong rừng, nó đâu biết biên giới, nó chỉ biết người tốt thôi. Mình là người Việt sống trên cao nguyên thôi. Mình tự hào lắm - Khăm Phết chỉ các ảnh treo trong nhà giới thiệu. Mình chỉ là người bình thường thôi, mà được ra Hà Nội, dự hội nghị với bao nhiêu tiến sĩ trong Hội nghị ASEAN, và bốn lần được gặp các lãnh đạo. Ảnh chụp đây này…
Rổn rảng, mạnh mẽ lại rất hiền, cái chất Tây Nguyên tràn toát từ Khăm Phết. Nhưng không nói trước, chắc nhiều người sẽ tưởng Khăm Phết là một người Kinh hiện đại.
Chỉ cái nhẫn như hổ phách to đeo ngón tay, Khăm Phết kể: Xưa toàn đeo ngà voi theo truyền thống dân tộc, rồi giờ cho hết rồi, đeo nhẫn này thôi.
Cái đồng hồ đeo tay mỏng dính, Khăm Phết cởi ra cho coi, toàn chữ Tây loằng ngoằng. Chả biết là loại gì, đeo thế thôi.
- Sao Khăm Phết phải đeo đồng hồ?
- À, ừ, cho biết giờ. Xưa chả cần, nhìn mặt trời là biết à. Nay phải chính xác, hẹn hò đâu có nhìn mặt trời mà đúng được… Mặt trăng, mặt trời nay không giống ngày xưa rồi. Chưa tối đã mờ rồi. Trước vào rừng chỉ nhìn là biết chừng nào phải về. Bây giờ mặt trời chạy lung tung lắm, chói hết, lóe hết rồi. Mặt trời biết chạy rồi. Thế nên phải dùng đồng hồ…
Ông bà nội tôi người Lào, sang Tây Nguyên mua bán voi, lấy họ người M’Nông theo họ người anh em kết nghĩa, họ Khăm.
Tên Phết vẫn giữ để nhớ gốc Lào xưa. Trên Buôn Ma Thuột, ai cũng gọi ông đầy đủ: Khăm Phết Lào.
Vua Voi vẫn đi làm rừng. Cha con Ama Kông biết lấy rầu rái (cây dầu nước, lấy dầu đốt đèn, làm keo bán về xuôi để quét vào thuyền). Rồi người Pháp đến, thích ăn rau sống. Người dân tộc chỉ ăn rau rừng, quay sang trồng rau sống cho người Pháp.
Điều kiện đưa ra: Muốn ăn rau sống, người Pháp phải cam kết không được bắt người mình đi lính. Thỏa thuận rồi, dân bản mới cho người Pháp đi, đổi lại, người Pháp cho buôn bán, cho xuống núi lập buôn mới. Cha con Ama Thuột lập ra một buôn mới, dân cứ gọi là buôn Ama Thuột, nay thành tên thành phố Buôn Ma Thuột.
Sau chiến tranh, Khăm Phết được thoát ly đi học.Vì có nghề thuốc, nên được cử đi học y tá sơ cấp để có thể đông tây y kết hợp.
Học xong, đúng vào thời giảm biên chế, tiện tôi “đào ngũ” luôn, về làm thuốc giúp bà con. Chẳng làm được cán bộ, nhưng nhờ đi học y tế, gặp được vợ. Vợ giờ làm bác sĩ, còn mình “chỉ chơi” thôi.
Làm ra thuốc hay, được Nhà nước nghiên cứu, thừa nhận, cấp bản quyền công nhận. Bao kẻ khác nhào vô làm thuốc giả, lại phải nhọc nhằn “đi chơi” đấu tranh giữ bản quyền. Thuốc giả, thuốc nhái lách bằng cách viết chữ Kông nhưng K viết thành chữ C, làm bao người nhầm.
Thuốc giờ đặt tên Vua Voi, một danh phận của Ama Kông. Ông từng có 4 vợ 21 con, người ta thêm thắt cho oách, để quảng cáo mà không biết rằng ông nội Khăm Phết từ hồi chưa có thuốc này vẫn có tới 7 vợ.
Vạm vỡ, hơi phốp pháp, tràn trề năng lực. Tại sao người Khăm khỏe, có phải vì dùng thuốc này? À, vì từ nhỏ tới lớn, mình như con voi, con gà, ăn chơi thôi à.
Thế không sướng, không khỏe sao.Thanh thản đời mới khỏe, chỉ có thế thôi. Không lo lắng gì là tại cái tâm, tâm khỏe thì người khỏe. Kiếm tiền nhiều để làm gì? Tiền biết mua gì.
Cứ sống tự nhiên, vui với thiên nhiên là khỏe. Sung sướng khi nghe chim ồn ào, nhìn chim nhìn cò, không suốt ngày chắm chúi điện thoại, cả đêm ôm tivi, ăn thanh thản dưới gốc cây mát rượi là vui.
Khăm Phết cũng có người ghét. Người ta ghét tôi vì tôi nói tại sao cứ trông chờ Nhà nước. Nghèo thì phải biết tiết kiệm, không có ăn mà hút thuốc sang, đi xe đẹp làm gì.
Mẹ đẻ ra được làm người rồi, muốn làm thêm thành người. Tôi không biết ăn tiền, chỉ biết ăn cơm. Bàn tay tôi làm nên tất cả, biến đá sỏi thành cơm, không nhờ vả ai.
Giúp người đừng vì tiền. Tiền để làm gì. Mày có tiền hả, thế mày ăn tiền đi. Tiên vẫn là tiên, tiền vẫn là tiền. Đồng tiền nó có cái hồn của nó. Tâm tài là tiền, không biết xài thì tiêu. Làm từ thiện thì tốt đấy, giúp ngay người gần mình, sao phải đi tận đâu?
Chỉ chơi thôi, Khăm Phết cứ chơi, lang thang vào rừng kiếm cây thuốc, có khi đi 7 ngày 7 đêm, mang theo con dao, cái rìu, võng, áo mưa như bộ đội. Mình chỉ biết làm cái sức khỏe cho dân thôi. Làm bất cứ việc gì cũng phải có cái tâm.Cọp chết để da, ta chết để tiếng.
Ừ, Khăm Phết trên cao nguyên lộng gió….
Bình luận (0)