Ông Tường có niềm đam mê kỳ lạ với tre, loài cây gắn liền với nông thôn Việt Nam cùng tuổi thơ nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên từ lũy tre làng. Ông có giấc mơ sẽ tập hợp đủ 300 loại tre, trúc trên đất nước về tại khu rừng này.
Lạc bước vào rừng tre
Ngày cuối tuần, phố biển Đà Nẵng tấp nập đón hàng nghìn lượt khách khắp nơi đổ về nghỉ dưỡng những ngày đầu hè. Khách thập phương đổ về chen kín các khu vui chơi giải trí nổi tiếng như chùa Linh Ứng, khu du lịch Bà Nà, núi Ngũ Hành Sơn, công viên Châu Á hay bãi biển Mỹ Khê… Nhưng cũng có rất nhiều người chọn điểm đến là một khu rừng yên tĩnh, vắng vẻ được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh có tên gọi “Sơn Trà tịnh viên” nằm ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Ông Tường bên hồ cá và những rặng tre
Từ sân bay Đà Nẵng, du khách lên xe buýt đi về con đường ven biển Hoàng Sa rồi rẽ vào đường Lê Văn Lương nằm sát chân núi Sơn Trà. Qua cánh cổng làm bằng tre có treo tấm bảng đơn sơ "Khu bảo tồn tre trúc - Sơn Trà tịnh viên", du khách ngỡ ngàng một thế giới yên bình, nhẹ nhõm, trút bỏ thế giới phố thị xô bồ, ồn ào náo nhiệt.
Đi sâu vào bên trong, khách như lạc vào thế giới riêng của loài tre. Cả khu vườn rộng hơn 1ha khắp nơi đều là tre, trúc đủ các loại. Chủ nhân khu vườn khéo léo bài trí giúp khu rừng trở nên uyển chuyển, sinh động không bị nhàm chán.
Từ ngõ vào là hàng tre truyền thống. Khách chỉ cần rẽ phải men theo con đường đất nhỏ là đến khu vực của loài trúc ống điếu, đi thêm hơn 100m sẽ được chiêm ngưỡng giang sơn trúc. Lần lượt các loài tre trúc như trúc quân tử, trúc đuôi gà… lọt vào tầm mắt du khách với trầm trồ thán phục ngưỡng mộ. Ở ngay vị trí trung tâm khu rừng, chủ nhân bố trí ba giống quý hiếm bậc nhất là trúc đen Hà Giang, tre bông Đồng Tháp và trúc vuông Bắc Kạn.
“Trời! Tre trúc ở đâu ra mà nhiều và đẹp thế này. Quê mình cũng có tre mà giờ hết sạch. Về quê tìm cây tre để nhớ về tuổi thơ mà tìm hoài không có ra. Ở đây như có cả thế giới loài tre. Quá đẹp”, anh Trần Quang Thái, du khách đến từ TP.HCM, thốt lên đầy ngạc nhiên.
Vị chủ nhân còn cẩn thận đặt những tấm bảng tên mỗi loại tre, trúc cùng nguồn gốc xuất xứ dưới từng gốc tre để du khách có thể tìm hiểu. Ngoài những cái tên dân gian gần gũi còn có thêm những cái tên khoa học để khách tiện nghiên cứu. Dưới những khóm tre, những chiếc bàn làm bằng tre đặt gọn gàng với những ấm trà là nơi du khách dừng lại nghỉ chân.
Điểm xuyết cho khu vườn tre là một hồ sen rộng chừng 100m2. Trong hồ, hàng chục loài cá tung tăng bơi lội. Trên những lối đi là muôn vàn những loài hoa bé xinh. Chủ nhân khu rừng chỉ chọn trồng các loài hoa dân dã, gắn liền với nông thôn Việt như hoa nhà, vạn thọ, hoa chuối… Khắp khu rừng vang lên tiếng chim kêu, hót. Những đàn bồ câu hàng trăm con mạnh dạn sà xuống đậu sát cạnh bên du khách.
“Ở đây thật lạ. Ngay trung tâm thành phố mà có một khu vườn cổ tích như vậy thì người xây dựng nên phải rất dụng công. Tôi đi chơi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào do bàn tay con người làm nên mà lại hài hòa với thiên nhiên như ở đây”, chị Lê Nguyệt Minh, du khách người TP.HCM, bày tỏ.
Khu tịnh viên đón vô vàn du khách đủ mọi lứa tuổi, thành phần đến tham quan nhưng ai cũng có cảm giác thư thái riêng. Những bậc trí thức thì mượn bộ bàn ghế đá dưới bóng tre lớn để thưởng trà đàm đạo, có khi là chơi cờ tiêu khiển. Học sinh, sinh viên lại tìm cho mình một góc tĩnh lặng. Cũng có những người tìm đến đây để thiền định, thắp nén hương rồi thả mình vào hư không vô định…
“Ẩn sĩ” núi Sơn Trà
Chủ nhân rừng tre ở sườn núi Sơn Trà là sư thầy Thích Thế Tường (51 tuổi, người gốc Huế). Thầy Tường vừa là chủ nhân, cũng chính là kiến trúc sư và là người thi công công trình rừng tre độc đáo này. Thầy cho hay bản thân xuất gia tu hành từ năm 14 tuổi. Nhưng từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với tre trúc.
Năm 2003, thầy Tường về tu hành tại Đà Nẵng. Ông được một phật tử cho mượn mảnh đất đang trồng cây trên ven núi để dựng một chiếc am nhỏ làm nơi tụng kinh niệm Phật. Ngoài thời gian tu hành, thầy Tường lại dành thời gian tìm kiếm các loại tre trúc nhưng đổi lại chỉ là sự thất vọng. Thời điểm đó ở Đà Nẵng các loài tre gần như mất dạng. Thầy Tường chỉ thấy tre trúc được trồng khiêm tốn trong một số khu nhà vườn hay chậu cây cảnh. Từ đó, thầy luôn nung nấu tạo nên một khu rừng trồng toàn tre trúc Việt Nam ở mảnh đất này. Người phật tử quý mến và ngưỡng mộ tâm nguyện của thầy đã tặng mảnh đất để thầy thỏa ước nguyện.
“Tôi tự mình đào ao sen, đắp đất để trồng cây. Lúc đầu chỉ là những giống tre, trúc quanh vùng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Bộ sưu tập tre trong khu rừng này cứ lớn dần lên theo từng năm bởi tôi không bao giờ quản ngại xa xôi để mang giống mới về trồng. Mỗi khi có người báo tin có giống tre chưa có trong vườn, tôi đích thân đi kiểm tra và xin gốc để mang về trồng trong khu rừng này”, thầy Tường tâm sự.
Theo thầy Tường, cùng là loài tre, trúc nhưng mỗi giống, mỗi loài lại có những chi tiết khác nhau mà người tinh ý mới có thể nhận ra. Trong cùng một loài mà ở những địa phương khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau.
Thầy Tường yêu tre nhưng trong khu vườn vẫn có chút ưu ái cho loại trúc vuông Bắc Kạn bởi sự quý hiếm. Để có được những gốc trúc này, thầy đã mất hàng tháng trời tìm kiếm. Đích thân thầy Tường từ Đà Nẵng ra đến Bắc Kạn rồi lên những khu vực rừng núi nơi có trúc vuông để tìm mang về.
“Tre, trúc có nhiều loại nhưng có một điểm chung là khá dễ trồng, không cầu kỳ tốn công chăm sóc. Ở khu vườn này đất tốt nên mang giống về ươm trồng một thời gian ngắn là đã phát triển. Việc trồng trúc khó trồng hơn tre vì phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật”, thầy Tường tiết lộ.
Khu rừng với hơn 100 loại tre, trúc của thầy Tường đã được ghi nhận khi vào năm 2013, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đứng tên bảo trợ cho khu rừng. Tuy nhiên, nguyện vọng của thầy Tường vẫn chưa dừng lại ở đây. Thầy cho hay đất nước Việt Nam có đến 300 loại tre, trúc.
“Tôi sẽ cố gắng sưu tập đủ tre, trúc Việt Nam về đây. Mong sao qua bộ sưu tầm này, lớp lớp người Việt sẽ có một nơi chốn mà ở đó, họ có thể cảm nhận hồn Việt, khí phách Việt trong mỗi khóm tre”, thầy Tường tâm sự.
Khu rừng tre của thầy Tường xào xạc lá trong ánh nắng chiều vàng vọt. Những giọt nắng cuối chiều hắt qua kẽ lá, chiếu thắng xuống chiếc am nhỏ nơi thầy Tường tu hành, sinh hoạt. Tất cả đều đơn sơ, giản dị như cuộc sống của vị ẩn sĩ này giữa núi rừng Sơn Trà. Thầy Tường cho hay khu rừng được gây dựng vì đam mê và hy vọng sẽ để dành lại cho con cháu đời sau.
Bình luận (0)