Để đánh bắt được ghẹ đại dương thì thời gian thả rớ (lưới bóng) phải được tiến hành vào lúc nửa đêm. Thường lệ các tàu buông lưới vào lúc 2-3 giờ và kết thúc vào 6-6 giờ 30 phút. Sau khi buông lưới được 7-8 giờ, con tàu quay mũi theo hướng tọa độ cũ và bắt đầu chạy chậm để tiến hành kéo lưới lên. Công việc kéo lưới ghẹ lên của các thuyền viên mất thời gian gấp đôi so với khi thả lưới.
“Khi thả lưới hay kéo lưới, các lao động đều phải mang áo quần mưa, vì tàu chạy sóng đánh làm nước bắn tung tóe ướt đẫm hết. Không kể nắng hay mưa, đêm hay ngày đều phải mang như vậy để bảo vệ khỏi thấm nước bị cảm, ốm đau”, anh Tuấn thuyền viên trên tàu cho biết.
Mỗi thuyền viên trên tàu ghẹ có một nhiệm vụ nhất định. Ngoài trưởng tàu và lái tàu thì các thuyền viên đều có một vị trí để lao động cụ thể như: ghim hộp mồi, sắp lưới, gài móc rớ, chỉnh dây lưới, và thả lưới. Lúc kéo lưới lên thì có thêm bộ phận trói ghẹ.
Gỡ và phân loại ghẹ ngay trên tàu
Những con ghẹ dính lưới được kéo lên, lập tức được phân loại ngay. Con nào to, vỏ cứng thì được buộc dây lại để càng không kẹp nhau khi thả nhốt chung. Con nhỏ được tách riêng để dùng làm thực phẩm trên tàu. Những con vỏ đang mềm thì được thả lại về biển.
“Trói ghẹ, ngoài việc cần cẩn thận để không bị càng nó kẹp chảy máu thì cũng phải không để bị nó gãy hay rơi càng vì khi đó những con ghẹ này coi như bị hỏng, bị loại vì thương lái không mua. Ghẹ mất càng chỉ có về bán lẻ ở chợ hay đem về hấp ăn thôi”, trưởng tàu Tình chia sẻ.
Ghẹ được trói cẩn thận và đưa vào nuôi dưới khoang tàu. Những hộc dưới khoang tàu được thiết kế có lỗ thông với nước biển riêng để nuôi nhốt ghẹ. Mỗi hộc có thể thả nuôi được tối đa 4-5 tạ ghẹ sống trong thời gian 5-6 ngày.
Dù đánh bắt ở xa bờ đến 50-60 hải lý, nhưng đều đặn cứ 3-4 ngày là có một chuyến tàu ra tận nơi để thu mua ghẹ trên các tàu đánh bắt. Thương lái thông báo giá thu mua sẵn qua hệ thống bộ đàm và thời gian cụ thể khi đến giao dịch.
Anh Dũng, một thương lái buôn ghẹ ở Đồng Hới cho biết: “Mình có tàu nên đưa người ra thu mua ngoài khơi luôn. Các tàu đánh bắt đều là chỗ quen biết cả, nên mình hẹn ngày ra, giờ cụ thể để tiếp cận thu mua. Ra thu mua ngoài biển thì giá có rẻ hơn, nhưng bù chi phí xăng dầu cũng ngang trên bờ. Chủ yếu là mua xong đưa vào bến rồi bốc lên xe xuất sang Trung Quốc luôn”.
Hôm trời đẹp, gió nhỏ sóng êm thì tàu thu mua cập vào tàu đánh ghẹ để bốc chuyển hàng sang được dễ dàng. Những khi sóng to, tàu thu mua tiến gần tàu đánh bắt rồi dùng dây thừng để cho các lao động sang tuyển lựa và cân hàng, ghi giấy. Hàng sau khi mua xong được cho vào các túi lưới, buộc vào dây thừng rồi thả xuống biển để bên tàu thu mua kéo lên.
“Sóng to, không cáp tàu vào nhau được vì nó va đập mạnh, nên phải thả xuống rồi dùng dây kéo lên để an toàn cả tàu và người”, anh Dũng nói.
Đưa ghẹ đã đánh bắt được lên sàn tàu để bán cho các thương lái đi thu mua hàng ngay trên biển
Tàu thu mua ngoài việc ra mua ghẹ còn mang hàng ra bán cho các tàu đánh bắt như: lưới bóng, dây, đèn pin, nước ngọt, thực phẩm rau củ… bởi vậy các tàu đánh bắt duy trì hoạt động trên biển được dài ngày mà không lo thiếu thực phẩm hay ghẹ nuôi lâu ngày bị chết.
“Nếu không có tàu thu mua, thì 4-5 mẻ lưới, ghẹ sẽ đầy buộc tàu phải vào bờ, không có chỗ chứa và nó sẽ đè lên nhau và bị chết. Bán trên biển thì giá rẻ hơn, nhưng mình đỡ mất tiền dầu và thời gian chạy vào chạy ra, vì vậy công việc đánh bắt cũng được liên tục hơn”, anh Hữu bạn thuyền kể.
Bình luận (0)