xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo chân"phi đội" chong đèn săn cá lẹp ở Quảng Trị

Theo TRẦN TUYỀN (Báo Quảng Trị)

Nhờ quen biết nên tôi được anh Lê Văn Luận đồng ý cho đi cùng chuyến ra khơi để mục sở thị nghề săn cá lẹp

Để có được khoang thuyền đầy ăm ắp cá, những ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) phải thức trắng đêm luồn lách qua muôn vàn con sóng dữ và đối mặt với những hiểm nguy rình rập trong đêm tối mịt mùng của biển cả để tìm luồng và “săn” cá lẹp…

Nhờ quen biết nên tôi được anh Lê Văn Luận, năm nay 38 tuổi, trú tại khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, đồng ý cho đi cùng chuyến ra khơi để mục sở thị nghề “săn” cá lẹp lắm nhọc nhằn này. Anh Luận là một ngư dân có thâm niên trong nghề.


Ngư dân bán cá cho thương lái

Ngư dân bán cá cho thương lái

Đúng giờ hẹn, tôi có mặt ở cảng cá Cửa Tùng để lên con tàu 180 CV của anh Luận cùng 9 ngư dân khác. Hơn 16 giờ, con tàu nhổ neo chầm chậm rời bến hướng ra đảo Cồn Cỏ. Đứng sau bánh lái, anh Luận giới thiệu qua để tôi hiểu về “lịch sử” nghề “săn” cá lẹp: “Từ thời cha ông, ngư dân chúng tôi chỉ đánh bắt cá lẹp bằng lưới 1, lưới 2 và chỉ đánh bắt vào ban ngày nhưng sản lượng thu được rất thấp. Vào cuối năm 2013, nhiều ngư dân gốc Thanh Hóa, Nghệ An vào vùng biển Cửa Tùng khai thác thủy sản cùng chúng tôi. Họ không dùng lưới mà dùng hệ thống đèn cao áp kết hợp với “va va” (dụng cụ đánh bắt cá được thiết kế bằng hai càng sắt ở hai bên, ở giữa là tấm lưới tạo thành hình tam giác) đuổi theo từng đàn cá lẹp để xúc cá vào lưới. Sau một đêm, họ bắt được vài tạ thậm chí vài tấn cá lẹp, cá cơm. Sau khi họ rời đi, chúng tôi bắt đầu chuyển sang khai thác cá lẹp bằng phương thức này. “Săn” cá lẹp bằng đèn thành nghề ở Cửa Tùng từ dạo đó”.

Theo lời kể của anh Luận, cá lẹp là loài cá nhỏ, có thân dẹp. Lúc trước, người dân trong vùng thường dùng cá để làm mắm hoặc xay nhuyễn làm chả cá ăn rất ngon. Từ khi ở Cửa Tùng có nhà máy chế biến tinh bột cá thì cá đánh bắt về được bán cho công ty này. Mùa “săn” cá lẹp bắt đầu vào quãng thời gian từ tháng đầu 10 đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Cá lẹp có tập tính kiếm ăn ở tầng nước mặt vào ban đêm và lặn xuống tầng nước sâu khi mặt trời lên nên chỉ đánh bắt được bằng cách dùng ánh đèn pha vào buổi tối. Từ khi khai thác và đánh bắt cá lẹp bằng phương thức mới, thời gian ra khơi được chuyển hẳn về đêm. Tuy sản lượng thu được cao hơn nhưng những ngư dân nơi đây phải gồng mình làm việc quần quật thâu đêm, nhiều khi còn phải chống chọi với sự cuồng nộ của biển cả.


Nghề “săn” cá lẹp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân Cửa Tùng

Nghề “săn” cá lẹp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân Cửa Tùng

Ánh nắng mặt trời đã tắt tự lúc nào không hay, thay vào đó là bóng đêm huyền hoặc bao trùm lên biển khơi. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ loanh quanh trên biển truy tìm luồng cá, tàu chúng tôi chạy đến quãng cách bờ chừng 3 hải lý thì bắt gặp một đàn cá lẹp. Trước mũi tàu, hàng ngàn con cá lẹp khỏe khoắn bật nhảy lên khỏi mặt nước. Từng lớp vảy cá óng ánh và lóe sáng dưới ánh đèn pha. Bất chợt, một thuyền viên hô to: “Gặp luồng rồi”. Ngay lập tức, hai cánh càng “va va” từ từ hạ xuống sâu cách mặt nước chừng 3-4 m rồi tàu giảm tốc lực bám theo đàn cá đang búng nhảy liên hồi. Nhìn cách thức đánh bắt cá lẹp của những ngư dân này, tôi chợt liên tưởng đến kiểu đánh “dạ” của ngư dân vùng biển bãi ngang ở Gio Linh, Triệu Phong…mà mình từng chứng kiến. Họ cũng dùng chiếc lưới được căng bởi hai chiếc sào tre tạo thành hình tam giác giống như “va va” để múc ruốc biển…Khi đàn cá lẹp nằm gọn trong tấm lưới, anh em ngư dân cùng nhau kéo “va va” lên tàu rồi dùng vợt xúc cá đổ vào khoang. Quy trình đi “săn” cá lẹp cứ tiếp tục theo trình tự như thế cho đến lúc trời rạng sáng (ban ngày, cá lẹp bơi xuống tầng nước sâu và ánh đèn pha hoàn toàn bị “vô hiệu hóa”).

Tận dụng quãng thời gian tìm luồng cá mới, anh em trên tàu nghỉ ngơi và ăn bữa tối được mang theo để lót dạ trên chiếc tàu tròng trành, lắc lư. Bữa cơm tối diễn ra rất chóng vánh và giản đơn nhưng lại đầm ấm bởi những câu chuyện tiếu lâm được các thuyền viên kể cho nhau nghe. Từng tràng cười sảng khoái xé tan màn đêm lạnh lẽo xung quanh. “Không kể tiền đóng tàu và mua máy đẩy, chỉ tính sơ sơ về tiền sắm hệ thống đèn cao áp, máy phát điện, lưới, càng sắt… cũng hơn 100 triệu đồng đấy chú ạ. Từ khi nghề này phát triển, nhiều hộ ngư dân trong vùng đã mua sắm trang thiết bị để đi “săn” cá lẹp như tụi tôi. Giờ ở Cửa Tùng có gần 30 tàu, thuyền hành nghề khai thác, đánh bắt cá lẹp rồi”, anh Ngân, một thuyền viên trên tàu kể cho tôi nghe. Nghề này tuy phải thức đêm thức hôm nhưng bù lại có thu nhập khá và nhẹ nhàng hơn hơn kiểu đánh bắt cũ. “Thời tiết hôm nay dễ chịu nên việc đánh bắt đỡ vất vả chứ nhiều bữa ra khơi gặp phải giông gió, anh em trong tàu ai cũng xanh mặt. Cũng từng có trường hợp đang kéo “va va” thì một ngư dân bị rơi xuống biển vì sóng “dốc” quá. May anh đó bơi giỏi nên trụ lại được…”, lão ngư Phan Dữ (56 tuổi) ngồi cạnh tôi góp chuyện.


Tàu, thuyền cập bến sau một đêm dài lênh đênh trên biển

Tàu, thuyền cập bến sau một đêm dài lênh đênh trên biển

Trong đêm tối nhờ nhờ, nhấp nhoáng những ánh đèn pha vệt dài vệt ngắn như những nét chấm phá giữa đại dương bao la. Tôi đoán nó phát ra từ những con tàu khác cũng đang khai thác, đánh bắt cá lẹp, cá trích như tàu anh Luận. “Việc tìm có trúng luồng cá hay không còn phụ thuộc vào may rủi nữa. Có hôm đánh được vài tấn, hôm thì vài tạ thôi vì giữa đêm đen, tìm được luồng cá khá khó khăn. Phải chạy “rà” loanh quanh, khi nào phát hiện thấy có đàn cá nhảy lên khỏi mặt nước thì mới hạ “va va”, lời ông Dữ cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Ông Dữ cho biết thêm ở Cửa Tùng có hai người tiên phong và khá thành công trong nghề khai thác, đánh bắt cá lẹp bằng đèn cao áp, đó là ngư dân Trần Văn Bảy và Nguyễn Văn Hùng đều ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng. Dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng nghề khai thác, đánh bắt cá lẹp bằng đèn này đã mang lại cho ngư dân ở Cửa Tùng có cuộc sống ổn định hơn.

Rạng sáng. Khi mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt biển cũng là lúc các tàu, thuyền trở về sau một đêm lênh đênh trên biển với những khoang thuyền đầy ắp cá cơm, cá lẹp. Tàu anh Luận chuyến này đánh bắt được 2,5 tạ cá lẹp, 3 tạ cá cơm. “Chuyến hôm nay không lãi mấy nhưng cũng dư tiền dầu rồi chú ạ”, anh Luận vỗ vai tôi nói. Lên đến bờ, thông tin về tất cả các tàu ra khơi tối qua được “cập nhật” ngay tức thì thông qua “kênh” truyền tin của các thương lái. Đang bận rộn xúc cá lên cân bán cho thương lái, ngư dân Nguyễn Ngọc Hải (52 tuổi) chủ chiếc tàu 150 CV phấn khởi nói: “Hôm nay, tàu của tôi đánh bắt được hơn 1 tấn cá lẹp. Ra tết đến giờ, chúng tôi đánh bắt được hơn 6 tấn cá lẹp, vài tạ cá cơm rồi, như vậy là có thêm thu nhập kha khá cho gia đình và anh em bạn thuyền cải thiện đời sống rồi đó chú”. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được nhiều luồng cá lẹp. Ngư dân Phan Dũng ở khu phố 1, thị trấn Cửa Tùng cho biết: “Chuyến này, tàu tôi chỉ đánh bắt được vài tạ cá cơm thôi. Lỗ tiền dầu rồi. Hy vọng chuyến tới sẽ khá lớn!”.

Cảng Cửa Tùng sáng sớm, không khí tàu thuyền ra vào bến tấp nập. Ngư dân tất bật vận chuyển cá, thương lái hối hả cân đong, ghi chép, tính tiền…tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân nơi đây. Anh Luận khoác vai tôi nói: “Chú lần đầu đi biển mà được như thế là khá lắm đấy. Giờ thì chúng ta phải kiếm chút gì lai rai, tự thưởng cho bản thân sau một đêm vất vả trên biển. Phải chuẩn bị sức lực cho chuyến ra khơi tiếp theo chứ”. Tiếng cười giòn giã của anh Lợi tan vào đám đông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo