.
Cá lác có chất lượng thịt thơm ngon, giá cao nên nhiều người dân các xã, phường ven biển của huyện Thủy Nguyên và Hải An chọn bãi sình lầy - nơi loại cá này sinh sống - để hành nghề mưu sinh.
Khi thủy triều xuống các bãi sình lầy lộ ra, cá lác từ hang sâu dưới đất chui lên phơi nắng. Đây là thời điểm thích hợp để người dân buông câu.
Khi chui từ dưới hang lên bãi sình, cá lác rất cảnh giác và không bao giờ đi quá xa miệng hang. Đôi mắt cá lồi, nhô lên cao để quan sát, chỉ cần phát hiện con người lại gần hay chim săn mồi lao tới, lập tức chúng lao nhanh xuống miệng hang. Lỗ hang ngay sau đó được lớp bùn nhão nhoét chảy xuống che kín.
Quá trình câu cá, người đi câu phải lội bùn nhẹ nhàng, không tạo ra tiếng động; đôi mắt chăm chú quan sát tìm cá, một tay cầm cần, một tay cầm lưỡi câu chùm tự chế để sẵn sàng tung ra. Năm nay 55 tuổi, thợ câu Đinh Văn Bẩy, quê xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên đã có thâm niên 42 năm trong nghề câu cá lác tại khu vực cửa biển Đình Vũ, Cát Hải.
Cái khó nhất của nghề câu các lác là người câu phải tính toán thật nhanh khoảng cách từ người câu đến con cá để vút lưỡi câu chính xác.
Thợ câu Đinh Văn Bẩy chia sẻ, quá trình câu cá chỉ là động tác vút cần câu để chiếc lưỡi câu chùm trúng vị trí con cá, rồi giật nhanh về. "Động tác tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người câu phải thành thục, nếu không thì chẳng những không bắt được cá mà có nguy cơ bị lưỡi câu găm vào mặt", ông Bẩy nói.
Nghề câu cá lác phụ thuộc vào thời tiết và thuỷ triều. Hôm nào may mắn, ông Bẩy có thể câu được 3 đến 4 kg cá; giá cá lác tại thị trường Hải Phòng khoảng 250.000 đồng mỗi kg.
Bình luận (0)