Các công ty du lịch nhận định thành quả này có được là nhờ yếu tố rất quan trọng: tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Đây chỉ là một góc nhỏ của bức tranh toàn cảnh mà các tuyến cao tốc mang lại cho nền kinh tế quốc gia. Con số doanh thu trên cũng là một lát cắt hấp dẫn của "đĩa bánh" kinh tế được chăm chút trong gần 10 năm qua - khi bắt đầu chủ trương hối hả xây dựng các tuyến cao tốc trên mọi miền đất nước. Sự tác động lớn lao mà đường cao tốc mang lại không dừng ở khía cạnh kinh tế, mà nó lan rộng sang toàn bộ các lĩnh vực khác của xã hội: văn hóa, giáo dục, phân bố dân cư… Những giá trị này được thử nghiệm và mang lại thành công cho hầu hết các quốc gia đầu tư đường cao tốc.
Tương tự, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang xây dựng và trình Quốc hội thảo luận vào sáng hôm qua cũng được kỳ vọng sẽ mang đến những lợi ích to lớn. Dự án này được ấp ủ từ hàng chục năm trước nhưng điều kiện kinh tế và biện pháp kỹ thuật còn hạn chế nên đến nay mới dần hiện thực hóa. Với đặc thù vị trí địa lý trải dài Bắc - Nam, áp sát với 3.260 km bờ biển, tuyến đường sắt này đi qua phần lớn các tỉnh và dễ dàng kết nối với hầu hết các cảng biển quan trọng của quốc gia. Thuận lợi này rất khó có được và chính điều đó làm hiệu quả của tuyến đường sắt tốc độ cao tăng cao theo sự phát triển chung của nền kinh tế. Từ trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt này cũng dễ dàng kết nối theo trục ngang cho mục tiêu kết nối vùng và kết nối quốc tế qua Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bức tranh kinh tế này càng sáng màu khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế xanh, đầu tư trọng điểm cho nông sản xuất khẩu và thúc đẩy kinh tế liên quốc gia.
Kỳ vọng càng lớn cũng đồng nghĩa trách nhiệm càng cao. Trách nhiệm này đòi hỏi quyết tâm đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả và yêu cầu tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất để bảo đảm cho sự thành công của toàn dự án. Quy mô của dự án rất lớn trong điều kiện tài chính quốc gia chưa thong thả nên không cho phép vấp phải những trì trệ chủ quan khi thực hiện.
Quy mô của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2023 đạt 430 tỉ USD. Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh - CEBR xếp hạng nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 34 thế giới và sẽ có bước nhảy vọt trong thập kỷ tới. Về dân số, Việt Nam đã đạt khoảng 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Với tầm vóc này, chúng ta không cho phép hệ thống giao thông - vốn là huyết mạch của nền kinh tế - bị trì trệ, chậm chạp không theo kịp đà phát triển chung.
Thời điểm hiện nay không dừng lại ở giai đoạn tập trung mở đường giao thông mà đã bước đến thời kỳ tăng tốc giao thông để thúc đẩy cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xuất phát của hệ thống đường cao tốc quốc gia đã chậm so với các nước. Không có cách nào khác, từ bây giờ phải làm nhanh, làm tốt và gấp rút đưa hệ thống huyết mạch này vào phục vụ đắc lực cho quốc gia bằng quyết tâm cao nhất.
Bình luận (0)