Theo đó, ngày 10-4, phóng viên Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng thi công ì ạch tuyến đường 19 tháng 5 ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Vấn đề này khiến người dân bức xúc vì bụi khắp nơi, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của họ; học sinh mỗi ngày phải đi trên con đường bụi bặm ngút trời khi nắng nóng hoặc sình lầy lúc trời mưa; nhiều người bị té ngã vì đường thi công chậm tiến độ.
Trước đó, Báo Người Lao Động cũng nêu việc xây dựng, san gạt khi thi công điểm du lịch nghỉ dưỡng Núi Hoa Đà Lạt của Công ty TNHH Núi Hoa (phường 10, TP Đà Lạt) đã làm lấp đất 83 gốc cây thông tự nhiên; 22 căn biệt thự xây dựng sai quy hoạch trên đồi ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm; khó khăn khi thu hồi Dinh I tại dự án King Palace.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận những phản ánh của báo chí đối với những vấn đề trên. UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý.
Theo ông Phạm S, dự án nâng cấp đường 19 tháng 5 có thời gian thực hiện đến tháng 6-2023 (nhưng sau đó gia hạn đến tháng 6-2024 - PV). Tuy nhiên, sau quá trình thi công, còn hơn 772 m thì người dân không hợp tác. Tại đây xảy ra tình trạng đập phá phương tiện thi công và một phần mặt bằng không bàn giao thi công.
"Trong tất cả dự án thì khó nhất là bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư thấy khó khăn, làm văn bản lên nhưng huyện chưa giải quyết nên kéo dài. Điều này dẫn đến tình trạng bụi bặm khi nắng, trời mưa thì trơn trượt người đi xe máy bị té ngã" - ông Phạm S cho biết.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương, chủ đầu tư và đơn vị thi công. Nếu đơn vị thi công không đảm bảo thì thanh toán hợp đồng tìm đơn vị mới để thực hiện dứt điểm.
Vấn đề dự án Núi Hoa Đà Lạt làm lấp gốc 83 cây thông, ông Phạm S đánh giá vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của UBND TP Đà Lạt cùng nhiều sở như Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Thế nhưng vẫn để vụ việc xảy ra. "UBND tỉnh đã giao UBND TP Đà Lạt kiểm tra và xử lý" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.
Còn đối với 22 căn biệt thự tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, ông Phạm S phân tích căn cứ khoản 30, điều 1 của Luật Xây dựng năm 2020 thì có 7 trường hợp xây nhà không cần xin giấy phép. Trong đó có nhóm nhà ở cấp 4, cao dưới 7 m ở nông thôn được quy hoạch.
Tuy nhiên, địa phương không quản lý, xác định 22 căn biệt thự nằm trong nhóm này nhưng có phải dưới 7 m và là nhà cấp 4 hay không thì chưa rõ. Nếu nhà dưới 7 m nhưng là nhà cấp 3 là vi phạm. Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Lộc Thành và giao các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc.
Cho thuê Dinh I không qua đấu giá
Việc thu hồi Dinh I tại dự án King Palace, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dinh này trước đây được xem là một di sản có thể đóng góp cho phát triển du lịch địa phương nhưng không phát huy được giá trị. Do vậy, lúc bấy giờ UBND tỉnh cho Công ty Hoàn Cầu thuê không thông qua đấu giá.
Việc thuê này Thanh tra Chính phủ kết luận không đúng quy định, sau đó UBND tỉnh đã thu hồi dự án. Khi thu hồi xảy ra vấn đề cơ quan thẩm định xác định giá trị đầu tư khoảng 58 tỉ đồng sau khi sửa chữa toàn bộ công trình này. Tuy nhiên, nhà đầu tư là Công ty Hoàn Cầu khẳng định số tiền đầu tư không phải 58 tỉ đồng mà là 114 tỉ đồng.
"Ranh giới giữa 2 số tiền này, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan tìm đơn vị thẩm định độc lập xác định giá trị đã đầu tư là bao nhiêu để có phương án. Với dự án này phải thực hiện nghiêm túc tất cả chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và quyền Bí thư Tỉnh ủy" - ông Phạm S nói.
Bình luận (0)