Mùa hè là thời điểm lý tưởng để các bạn trẻ có thể dành nhiều thời gian nâng cao năng lực ngoại ngữ. Nguyễn Đoàn Ngọc Anh (21 tuổi, quê Bình Dương) cho biết bản thân đã học tiếng Nhật từ trong hè, trước khi chính thức bước vào đại học.
Chất đầy hành trang
Từ năm nhất, Ngọc Anh quyết tâm thi năng lực tiếng Nhật vượt cấp và đạt chứng chỉ JLPT N4 ngay lần thi đầu tiên. Anh kể: "Giai đoạn đầu học tiếng Nhật, tôi gặp khó khăn khi tiếp cận bảng chữ cái Kanji nhưng nỗ lực làm chủ thứ tiếng này vì khao khát hiểu biết về văn hóa đất nước mặt trời mọc và quan tâm đến mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia". Anh hăng hái tham gia nhiều hoạt động bổ ích, từng giành quán quân cuộc thi Sắc màu văn hóa Nhật Bản - 2022 và học bổng từ cuộc thi "Tôi là giáo viên tiếng Nhật" - 2023 do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM tổ chức. Chàng trai gen Z còn là cố vấn CLB Hikari - Ngôn ngữ Nhật của trường.
Như đa số học sinh Việt Nam được học tiếng Anh sớm, Nguyễn Trần Gia Mẫn (22 tuổi, quê Long An) còn tìm thấy niềm hứng thú với tiếng Trung khi lên lớp 10. Đến năm lớp 12, Gia Mẫn tự tin tham gia kỳ thi năng lực Hán ngữ đạt chứng chỉ HSK 4. Ngôn ngữ Trung không phải ngành học chính của Mẫn tại bậc đại học song nhờ lợi thế này đã giúp cô nhận được học bổng Fall Online Scholarship Program 2021 và Spring Online Scholarship Program 2022 của Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU - Trung Quốc). Mẫn có 6 tháng học tập trực tuyến trong môi trường quốc tế, từ đó tích lũy thêm nhiều trải nghiệm và kỹ năng quý giá.
Tận dụng thế mạnh này, Gia Mẫn tham gia dịch thuật trong các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế và có thể dùng kết hợp tiếng Anh và tiếng Trung thuần thục. Mới đây, Mẫn đã hoàn thành kỳ thực tập và được giữ lại làm việc với vị trí trợ lý giám đốc tại một công ty Trung Quốc chuyên về lĩnh vực công nghệ và logistics. Trong tương lai, Mẫn đặt mục tiêu học lên cao, chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh quốc tế với đích đến là một trường ở Thượng Hải (Trung Quốc). "Ngoài làm việc thì tôi tranh thủ ôn luyện tiếng Trung. Tự học là chính nên tôi chủ động tìm tòi trên mạng, nhờ các sinh viên, thầy cô... hỗ trợ với mục tiêu thi đạt chứng chỉ HSK 6 trước khi lên đường" - Mẫn bộc bạch.
Giỏi ngoại ngữ, thỏa đam mê
Yêu thích phim ảnh, âm nhạc K-pop nên Phan Quỳnh Như (22 tuổi, quê ở Đồng Nai) tìm học tiếng Hàn từ cấp 2 để hiểu thần tượng hơn. Sau đó, cô quyết định theo đuổi ngành Đông phương học ở Trường Đại học Văn Lang. Như cho biết không ngừng tìm kiếm môi trường thực hành: "Ghi chép, học theo sách giúp tôi có kiến thức nền tảng. Tôi cũng thường trau dồi kỹ năng giao tiếp và nhờ xem phim giúp cải thiện việc nghe - nói tiếng Hàn khá rõ. Một trong những kiểu học của tôi là tập trung hẳn 2 giờ với 30 phút đầu học ngữ pháp, sau đó chọn lọc 10 từ vựng liên quan để ghi nhớ, đọc văn bản nhiều để biết cách thức viết và hiểu cách nói. Mỗi tối, tôi dành 30 phút luyện nghe, lúc đầu nghe thụ động sau đó kiểm tra phụ đề và nghe lại lần nữa" - Như nói.
Khi học với giáo viên bản ngữ, Như mạnh dạn loại bỏ nỗi sợ phát âm sai vì không bị khiển trách khi mắc lỗi mà còn được sửa trực tiếp. Phương pháp tự học kết hợp kỷ luật giúp cô nhanh chóng tiến bộ. Hiện nay, Như nghe hiểu từ 80%-90% những gì người Hàn muốn truyền tải và có chứng chỉ TOPIK II cấp độ 4. Quỳnh Như tích cực thi hùng biện tiếng Hàn K-SPEED, làm thông dịch viên cho các đoàn tình nguyện từ các trường đại học Hàn Quốc đến Việt Nam. Như nhấn mạnh: "Tôi được bồi dưỡng kỹ năng mềm thông qua hoạt động xã hội, tiếp cận văn hóa, con người bản xứ. Tôi quan niệm học tiếng Hàn ngoài là một ngôn ngữ mới thì việc hiểu lối suy nghĩ và hành động của người Hàn giúp mình có góc nhìn đa chiều".
Ngọc Anh sẽ chinh phục cột mốc chứng chỉ bậc N3 khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật tháng 7 tới. Ngọc Anh cũng hoàn thiện hồ sơ xin thực tập tại Nhật Bản để được trải nghiệm văn hóa và tiếp cận thực tế với ngôn ngữ. Các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn du học sinh Nhật Bản đến tham quan và học tập tại TP HCM trước đó càng giúp anh tự tin với lựa chọn này.
Bình luận (0)