Chiều 27-12, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển" và các sự kiện tưởng niệm Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán.
Chương trình do học viện phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế tổ chức, nhằm tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023). Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742) là vị sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán - một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong.
Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 31-12-2023 và 1-1-2024 ở cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đến nay, ban tổ chức đã nhận được 124 bài tham luận của các vị tăng ni, nhà nghiên cứu, học giả ở trong và ngoài nước về 3 diễn đàn chính.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày 30-12-2023 sẽ khai mạc triển lãm "Bảo đạc trường minh" với 200 đầu mục tư liệu gồm kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm giá trị khác.
Thượng tọa Thích Không Nhiên - tiến sĩ triết học, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - khẳng định đây là cuộc triển lãm lớn nhất từ trước đến nay của Phật giáo với rất nhiều tư liệu quý lần đầu tiên xuất hiện. Trong đó, sẽ trưng bày bức hoành chùa Viên Thông hết sức quý giá, do chúa Nguyễn Phúc Chu ban cách đây hơn 300 năm, khi chùa này mới chỉ là một ngôi am. Bức hoành gắn liền với một giai thoại rất đẹp về sư tổ, hiện lưu trữ tại từ đường tộc Tống Phước ở TP Huế và được học viện phát hiện cách đây 4 năm.
Triển lãm không những có các châu bản từ thời vua Gia Long mà sẽ có tối thiểu 4 châu bản triều Nguyễn từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) liên quan Phật giáo. Đó là các văn bản châu phê của các chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú (1697 - 1738), Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) và Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777).
Thượng tọa Thích Không Nhiên khẳng định những châu bản này chưa có trong dữ liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia. Đây là những tư liệu gắn liền với các giao dịch dân sự giữa chính quyền chúa Nguyễn với các chùa. Các vị chúa Nguyễn đã cấp cho các chùa lưu giữ bằng các châu phê.
Bình luận (0)