Từ ngày 8-2 đến 11-2, trong khi ở Việt Nam đang tưng bừng đón Tết, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã chung tay tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Trong đó, ngày 8-2, tức ngày 29 Tết, Quỹ Hỗ trợ hội nhập người Việt Nam tại Ba Lan và Quận Srodmiescie phối hợp tổ chức Workshop về ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam cùng chương trình gói bánh chưng ngày Tết.
Đêm 9-2, tức ngày 30 Tết, Trung tâm phật giáo Việt Nam tại Ba Lan - Chùa Nhân Hoà và Chùa Thiên Phúc tại Ba Lan đã tổ chức chương trình đón tết cùng cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, kể từ khi thành lập đến nay, Chùa Nhân Hòa không chỉ là trung tâm văn hóa tâm linh mà còn là ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Đại sứ quán ta cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chùa Nhân Hòa trong những hoạt động của Chùa trong thời gian tới, đồng hành cùng bà con người Việt tại Ba Lan, trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà con trong lúc hoạn nạn khó khăn cũng như khi muốn kiếm tìm sự bình an trong bộn bề lo toan cuộc sống mưu sinh.
Chiều ngày 11-2, Hội người Việt Nam tại Quận Raszyn và Ủy ban Quận Raszyn đã phối hợp tổ chức chương trình Tết Việt - Chào Tết Giáp Thìn 2024 với khoảng 1.300 người tham dự.
Sự kiện được chuẩn bị công phu và được tổ chức với quy mô lớn. Nhiều tiết mục nghệ thuật phong phú, hấp dẫn do bà con người Việt tại Ba Lan và người dân Ba Lan trực tiếp tham gia biểu diễn, các món ăn truyền thống, cùng nhau đón chào năm mới dưới bầu trời tràn ngập sắc màu pháo hoa…
Với hàng ngàn người tham dự, các hoạt động không chỉ là nơi người Việt Nam ở nước ngoài hàn huyên, sum vầy mà còn lan toả vẻ đẹp Tết Việt, văn hoá Việt tới bạn bè nước ngoài.
Những ngày này, hàng trăm hoạt động tương tự đang được Việt kiều khắp nơi trên thế giới chung tay tổ chức.
Chương trình đón Tết Giáp Thìn 2024 do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức tại Pavillon de Baltard, ngoại ô TP Paris kéo dài từ 12 giờ ngày 3-2 đến 2 giờ sáng ngày 4-2 gồm nhiều hoạt động diễn ra liên tục, như không gian Chợ Tết với nhiều gian hàng từ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đặc trưng ngày Tết, đến ẩm thực Việt Nam; Biểu diễn nghệ thuật, võ cổ truyền Việt Nam, trò chơi dân gian, với sự tham gia của nhiều hội đoàn khác như Cánh Diều, Tiếng Tơ Đồng, Hợp Ca Quê Hương, Âu Việt, Võ Sơn Long… Có hơn 5.000 người dự chương trình, một con số kỷ lục.
Trước đó, tại Nhật Bản, chương trình "Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka" gây ấn tượng với vẻ đẹp của những tà áo dài truyền thống từ ngày 18 đến 21-1. Chương trình do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu phối hợp tổ chức sự kiện.
Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai nhấn mạnh, "Tuần lễ Áo dài Việt Nam tại Fukuoka nhằm quảng bá văn hóa Áo dài Việt Nam và du lịch của Fukuoka và Kyushu".
Tại sự kiện, khách tham quan được chiêm ngưỡng hơn 160 bộ áo dài của 4 nhà thiết kế Việt Nam gồm: Nhà thiết kế Ngọc Hân (Hoa hậu Việt Nam năm 2010), Nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Nhà thiết kế Chế Quyết Tiến và Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh, qua sự thể hiện của các người mẫu nổi tiếng Việt Nam là Á hậu Hòa bình 2022 Mai Ngô, Á hậu Hòa bình 2023 Hồng Hạnh, Siêu mẫu Ngọc Ánh, Siêu mẫu Kim Phương, Siêu mẫu Tường Vân... cùng với các nghệ sĩ, người mẫu đến từ cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu.
Tại sự kiện, nhà thiết kế, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân mang đến bộ sưu tập áo dài làm từ vải kimono có chủ đề về tranh Kim Hoàng - dòng tranh dân gian từng thất truyền thời gian dài và hiện đã được các nghệ nhân phục chế, và do những người mẫu đặc biệt đến từ cộng đồng người Việt tại khu vực Kuyshu thể hiện.
"Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật được các nhà thiết kế gửi gắm tình cảm và tâm huyết của mình qua từng họa tiết, màu sắc, chẳng hạn như sự kết hợp màu gốm lam Nhật Bản, các dải obi một cách hài hòa và tinh tế. Mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện ý nghĩa, lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới và sự giao thoa văn hóa Việt Nam-Nhật Bản"- Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng sự kiện trong tà áo dài Việt Nam, bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, cho biết đây là cơ hội quý giá để người dân trong tỉnh và du khách tìm hiểu về vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
Ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, cho biết Tuần lễ thời trang Áo dài đã tạo cơ hội trải nghiệm văn hóa Việt Nam và thúc đẩy giao lưu văn hóa với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Fukuoka. "Chúng tôi hy vọng khi được tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc áo dài tuyệt đẹp và trải nghiệm các buổi trình diễn, các bạn sẽ ngày càng quan tâm và hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam"- ông Inoue Hirotaka bày tỏ.
Lễ hội Tết Việt Nam - Xuân Quê hương 2024 đã khai mạc tại TP Amagasaki, tỉnh Hyogo, Nhật Bản với khoảng 80.000 người đã tới lễ hội trong hai ngày 3, 4-2.
Sự kiện gồm các các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn áo dài, các hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc văn hóa Việt và các món ăn được người dân Nhật Bản yêu thích.
Vẻ đẹp của những tà áo dài, vị ngon của những chiếc bánh chưng, những chiếc nem, hay những lời ca tiếng hát,… đang lan toả vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi kiều bào sẽ là sứ giả quảng bá văn hóa đặc sắc của Việt Nam tới bạn bè năm châu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh kiều bào ngày càng phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam; có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Bình luận (0)