Cứ mỗi cơn mưa lớn, nhiều quận, huyện ở TP HCM lại ngập.
Những yếu tố ảnh hưởng đến công tác chống ngập
Từ xưa đến nay, hệ thống sông rạch là một lợi thế tự nhiên quan trọng đối với TP HCM. Đây không chỉ là hệ thống đường thủy đắc lực cho giao thương mà còn là nơi nhận và tiêu thoát nước, đồng thời là nơi chứa nguồn nước mưa giúp giảm thiểu ngập lụt đô thị.
Đầm lầy là một yếu tố quan trọng, có tác dụng hấp thụ nước mưa, làm chậm dòng chảy, duy trì cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH) cho đô thị.
Đối với TP HCM, ngoài khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ, các vùng đất ngập nước dọc theo hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng hết sức quan trọng, cần phải được bảo tồn.
Trong khi đó, địa hình thấp trũng, kết hợp với mạng lưới kênh rạch, sông ngòi phức tạp khiến TP HCM trở nên cực kỳ nhạy cảm với ngập lụt từ các nguồn khác nhau, bao gồm ngập lũ từ sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Mê Kông; ngập triều do chế độ bán nhật triều từ biển Đông; lũ ngập do dòng chảy bề mặt khi có mưa hoặc bão nhiệt đới.
Mức độ tác động của các nguồn lũ này thậm chí còn nghiêm trọng hơn và khó lường hơn do mực nước biển dâng cao và các tác động khác của BĐKH toàn cầu và khu vực.
Hơn nữa, những tác động này làm tăng khả năng xảy ra sự kết hợp của các loại lũ lụt, đồng thời làm trầm trọng thêm vấn đề ngập lụt.
Hệ thống công trình thoát nước, kiểm soát ngập của thành phố chưa hoàn thiện, còn yếu và thiếu. Một số công trình xây dựng từ lâu đã có tình trạng xuống cấp, cần duy tu, sửa chữa thường xuyên.
Ngoài ra, bản thân mạng lưới thoát nước hiện tại của thành phố không đủ đáp ứng tốc độ đô thị hóa hiện nay. Hơn nữa, hầu hết hệ thống thoát nước của thành phố là hệ thống kết hợp giữa thoát nước thải và nước mưa nên dễ bị quá tải, đặc biệt khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Cơ quan quản lý chuyên môn và mối liên kết giữa các ngành vẫn chưa được thống nhất, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Cùng với đó, nhân sự chuyên môn tại cấp cơ sở thiếu hụt cũng gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ thoát nước một cách hiệu quả.
Phát triển đô thị ào ạt nhưng đầu tư hạ tầng kém, đặc biệt là thoát nước mặt, nước thải không tương xứng nên xuất hiện những vị trí ngập cục bộ.
Trong khi đó, các lưu vực tự nhiên trữ nước bị thu hẹp dần và các hướng thoát nước tự nhiên bị chia cắt bởi trục giao thông làm thu hẹp dòng chảy tràn tự nhiên. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng ngập lụt liên quan đến dòng chảy bề mặt.
Ngoài ra, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao, các hoạt động xây dựng được thực hiện cả ở vùng đất thấp và vùng đất ngập nước góp phần làm mất khả năng giữ nước tự nhiên. Khai thác nước ngầm dẫn đến tình trạng lún mặt đất, làm hạ thấp các nền đất cũng khiến độ ngập gia tăng…
Một số giải pháp
Dưới sự quản lý của Trung tâm Chỉ đạo Chương trình chống ngập đô thị TP HCM, nhiều dự án chống ngập do triều đã được thực hiện.
Mặc dù các khu vực dễ bị ngập do thủy triều ở nội thành đã giảm rõ rệt nhưng nguy cơ ngập lụt ở các khu vực ngoại thành lại gia tăng.
Nguyên nhân là do cách tiếp cận hiện nay chủ yếu dựa trên các biện pháp kỹ thuật mà chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi.
Trong bối cảnh đó, một hệ thống quản lý ngập tích hợp liên ngành sẽ là cách tiếp cận bền vững hơn. Các giải pháp không nên chỉ dựa vào cách tiếp cận cơ sở hạ tầng và thoát nước thông thường mà còn dựa trên một loạt dịch vụ.
Đầu tiên, cần phải xác định các khu vực dễ xảy ra ngập lũ, cũng như các khu vực có khả năng xảy ra ngập lũ trong tương lai. Từ đó, các biện pháp và quyết định liên quan đến rủi ro ngập lũ có thể được thiết lập.
Để giảm thiểu rủi ro ngập lũ, cần cải tạo nhiều không gian hơn để trữ lũ. Thông qua chiến lược này, nước lũ sẽ được giữ lại hoặc chuyển hướng và từ từ xả ra sông, kênh sau khi lũ lụt kết thúc.
Các công trình kiểm soát lũ cũng là một cách hiệu quả để tránh thiệt hại do ngập lũ gây ra cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lũ.
Trả lại trạng thái tự nhiên cho các sông, kênh, rạch. Có thể đưa một dòng sông về gần trạng thái ban đầu, tăng cường khả năng thẩm thấu, tái tạo tiềm năng lưu trữ và cung cấp thêm không gian cho nước lũ. Việc trả lại trạng thái tự nhiên cũng giúp giảm xói lở bờ sông và khôi phục các hệ sinh thái dọc sông.
TP HCM nên ưu tiên áp dụng hệ thống thu gom nước mưa lớn tại các công trình công cộng và tòa nhà có bề mặt mái lớn.
Trong khi đó, các tòa nhà dân cư được khuyến nghị áp dụng các hệ thống đơn giản tại nhà như thùng nước nhỏ hoặc bể chứa nước trên mái. Nước mưa được lưu trữ có thể được sử dụng cho nhiều mục đích sinh hoạt.
Nâng cấp, cải tạo mạng lưới thoát nước chính, xây dựng hệ thống đường ống thoát nước đồng bộ với hệ thống kênh tiêu thoát nước.
Đầu tư xây dựng tách biệt hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Nạo vét các kênh trục, đường ống để tăng khả năng tiêu thoát nước.
Tối ưu hóa bờ kênh nhằm sử dụng đa mục đích. Xây dựng hệ thống đê sông đa chức năng, xây dựng hệ thống hồ điều hòa để trữ nước mưa, giảm năng lượng triều; xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống cống ngăn triều...
TP HCM được xem là một trong 10 thành phố trên thế giới được xác định dễ bị tổn thương nhất với BĐKH. Do đó, các tác động của BĐKH đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng phải được xem xét thấu đáo, có giải pháp để giảm thiểu các tác động đó.
Bình luận (0)