Phường Phú Mỹ là địa phương đầu tiên của TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thực hiện mô hình "Cà phê sáng với người dân, doanh nghiệp".
Gắn kết, gần gũi
Bà Từ Thị Anh Đào, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, cho biết nhờ mô hình này mà những ý kiến, kiến nghị về vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) đã được lãnh đạo địa phương ghi nhận, tiếp thu, giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Điều này đã giúp Đảng bộ phường Phú Mỹ năm 2023 được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ mô hình hiệu quả của phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một đã nhân rộng ra tất cả các phường trên địa bàn.
Ngày 28-5, có mặt tại buổi cà phê sáng ở khu phố 1, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, chúng tôi chứng kiến nhiều khúc mắc của người dân đã được giải quyết nhanh chóng.
Tại buổi cà phê này, ông Trần Văn Trọng (ngụ khu phố 1) thắc mắc thửa đất mà gia đình ông ở có diện tích hơn 100 m2, trong đó 70 m2 đất thổ cư đã xây nhà, còn lại khoảng 30 m2 là đất trồng cây lâu năm. Theo ông, nếu trồng cây lâu năm thì sợ hư nhà, còn để vậy thì dơ nên gia đình đã láng xi măng cho sạch. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng sử dụng không đúng mục đích và bắt đóng thuế gấp 5 lần so với diện tích nhà ở, như thế là rất cao, trong khi đất này gia đình ông không sử dụng gì.
Trả lời thắc mắc của ông Trọng, ông Vương Chí Cường, Chủ tịch UBND phường Chánh Nghĩa, cho biết theo quy định, đất trồng cây lâu năm chỉ được dùng trồng cây. Gia đình có thể chọn những loại cây phù hợp với không gian, diện tích sử dụng. Nếu ngoài mục đích này mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được xác định là sử dụng sai mục đích.
"Công thức tính phạt như thế nào cho đúng luật, cán bộ thuế sẽ giải thích rõ hơn. Con mời chú hôm nay đến UBND phường gặp trực tiếp cán bộ thuế. Nếu chú vẫn chưa hài lòng thì UBND phường sẽ kiến nghị cấp trên xem xét" - ông Cường nêu rõ.
Ông Trọng tỏ ra rất hài lòng và cho biết trong ngày sẽ lên UBND phường ngay.
Theo bà Trương Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thủ Dầu Một, hiện nay, các địa phương của thành phố bắt đầu thực hiện mô hình cà phê sáng, có sự tham gia nhiệt tình của lãnh đạo phường, khu phố, cũng như người dân. Điểm đặc biệt của mô hình này là sự gắn kết, gần gũi giữa lãnh đạo địa phương với người dân.
Kề vai sát cánh
TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng từng được biết đến với mô hình "Cà phê sáng với DN". Mô hình này được cộng đồng DN đánh giá cao vì thể hiện sự gần gũi, đồng hành, lắng nghe của lãnh đạo địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho họ.
"Cà phê sáng với DN" là ý tưởng của ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thành ủy Bến Cát. Ông quan niệm DN là đòn bẩy giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân nâng cao. Do đó, nhiệm vụ của lãnh đạo địa phương là kề vai sát cánh với DN nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc để giúp họ có điều kiện sản xuất - kinh doanh tốt nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ TP Bến Cát, cho biết mô hình này được tổ chức mỗi tháng một lần, bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc 1 giờ sau đó. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Bến Cát và lãnh đạo các phòng ban, đơn vị cùng ngồi ăn sáng, uống cà phê, thăm hỏi tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, cũng như nắm bắt tâm tư, tình cảm của người lao động, đồng thời lắng nghe kiến nghị của họ.
Nói về hiệu quả của những buổi cà phê đặc biệt này, ông Bình dẫn chứng có một DN phản ánh bất cập trong việc xin cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại công ty. Theo đó, một số chuyên gia người Hàn Quốc ở DN này đã làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Thời hạn cấp giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tối đa là 2 năm và chuyên gia này đã được gia hạn giấy phép lao động rất nhiều lần. Trước đây, thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài khá đơn giản, còn sau này yêu cầu phải có giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc ở Hàn Quốc, trong khi họ làm việc ở Việt Nam đã lâu.
Tiếp nhận phản ánh của DN, Bí thư Thành ủy Bến Cát Bùi Minh Thạnh liền chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phải có ý kiến sớm lên tỉnh. Sau đó, tỉnh đã kiến nghị với trung ương và vướng mắc này của DN đã được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ nên họ rất phấn khởi, an tâm làm việc. Qua đó, DN càng thêm tin tưởng lãnh đạo địa phương.
Theo ông Bình, qua 2 năm triển khai, mô hình "Cà phê sáng với DN" tại TP Bến Cát được đánh giá cao. Cộng đồng DN đã phản ánh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, thuế thu nhập DN, vay vốn ngân hàng để tái sản xuất, thủ tục về môi trường, tình hình an ninh trật tự… Lãnh đạo thành phố ghi nhận và tìm cách giải quyết ngay; nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất lên tỉnh để tỉnh kiến nghị trung ương tháo gỡ.
Tinh thần cầu thị, chân thành
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho hay với tinh thần cầu thị, chân thành, tỉnh mong muốn người dân và DN tiếp tục ủng hộ, chia sẻ với địa phương. Qua đó, vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, lãnh đạo tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành có mặt tại sảnh tiếp dân ở Trung tâm Hành chính tỉnh, gặp gỡ DN để lắng nghe kiến nghị, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ.
Bình luận (0)