Lãnh đạo của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không và phi hàng không, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực: Hàng không, tài chính, du lịch... tập trung bàn thảo tại hội nghị quanh chủ đề "Ngành hàng không: Điều hướng trong bối cảnh bất định".
Là lãnh đạo hãng hàng không chủ nhà của hội nghị năm nay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đã có bài phát biểu "Góc nhìn từ người lãnh đạo của một hãng hàng không đang tiến tới những tầm cao mới".
Ông Hà nhận định bối cảnh thế giới đang có những biến động, không chắc chắn, phức tạp, mập mờ, để vươn lên những tầm cao mới, một hãng hàng không cần phải điều hướng trong môi trường phức tạp của ngành hàng không bằng cách tập trung vào tầm nhìn chiến lược, phân tích thị trường, trải nghiệm khách hàng, áp dụng công nghệ, phát triển bền vững, an toàn, tuân thủ quy định, sự tham gia của nhân viên. Bằng cách tập trung vào những lĩnh vực then chốt này một cách hiệu quả, hãng hàng không có thể định vị mình cho thành công lâu dài và tăng trưởng bền vững trong thị trường hàng không năng động.
Trong đó, ông Hà nhấn mạnh quản lý đội bay hiệu quả là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của hành khách.
"Người lãnh đạo sẽ cần đánh giá các lựa chọn mở rộng hoặc hiện đại hóa đội bay, xem xét các yếu tố như hiệu suất máy bay, hiệu quả nhiên liệu, phát triển bền vững với môi trường"- lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Đồng thời, theo CEO Lê Hồng Hà, áp dụng công nghệ và đổi mới là điều cần thiết để duy trì tính cạnh tranh và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong đó, sẽ tận dụng các cơ hội để khai thác Trí tuệ Nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics) và các nền tảng kỹ thuật số nhằm tối ưu hóa quản lý doanh thu, cải thiện các quy trình an toàn, và tinh gọn quy trình hành chính.
Ngoài ra, với những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và môi trường bền vững, lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu vết carbon của hãng và thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường. Họ sẽ nghiên cứu các sáng kiến như đầu tư vào các loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, áp dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), thực hiện các chương trình bù trừ carbon.
Hàng không đối mặt nhiều khó khăn sau COVID
Tại phiên thảo luận theo chủ đề "Bối cảnh Thế giới bất định" sau đó, các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã nêu quan điểm về các vấn đề và xu hướng hiện tại tác động đến các hãng hàng không, chẳng hạn như lấy khách hàng làm trung tâm, gián đoạn hoạt động, hợp tác hệ sinh thái và tính bền vững.
Ông Junichiro Miyagawa, Phó Chủ tịch hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản), đánh giá các sân bay hiện nay đã dần trở lại đông đúc và ngành hàng không đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại phục vụ cho giao thương có thể không quay trở lại được như giai đoạn trước COVID-19. Tại Nhật Bản hiện nhu cầu đi lại chỉ đạt 70% so với trước COVID-19, hoạt động thương mại nói chung có phần trì trệ dẫn tới nhiều thay đổi.
Đồng thời, ông Miyagawa cũng nhấn mạnh khó khăn nữa ngành hàng không có thể đối mặt, đó là việc thiếu hụt đội bay dù nhu cầu có thể trở lại. Bên cạnh đó, những thách thức về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường... đều tác động lớn tới ngành hàng không.
Đại diện All Nippon Airways nhấn mạnh, những thách thức đòi hỏi các hãng hàng không cần có những thay đổi về cơ cấu và cần theo dõi sát sao về mức tăng về cầu. "Các giải pháp đưa ra phải tính toán thận trọng hơn nhằm giảm thiểu rủi ro, từ đó tận dụng các cơ hội mới. Các hãng có thể tiếp tục tập trung vào vấn đề cốt lõi, đa dạng hóa, mở rộng hoạt động, xây dựng những nền tảng hệ sinh thái mới..."- ông Miyagawa chia sẻ.
Hàng không sẽ "hái ra tiền" bằng cách nào?
Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung bàn về chủ đề Hàng không "hái ra tiền" với những "trái ngọt" nào?" Làm thế nào các hãng hàng không, sân bay và nhà phân phối có thể tiến bộ nhanh chóng trong việc đạt được sự đơn giản, thuận tiện và tốc độ - nhằm giảm bớt những khó khăn thực sự đang ngày càng gia tăng của khách du lịch? Làm cách nào để quản lý tình trạng hoãn và hủy chuyến bay, trải nghiệm khách hàng toàn diện, quy trình mua sắm đơn giản hóa, dịch vụ vận tải đa phương thức và tính bền vững?
Trong ngày làm việc cuối cùng 29-2, các đại biểu sẽ tìm các giải pháp để "Nâng tầm thương mại hàng không" Đổi mới tư duy, tối ưu quy trình, xây dựng hệ thống hiện đại". Đó là phát triển sự hiểu biết đầy đủ hơn về các yêu cầu của khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch thông qua AI đưa ra quyết định lập kế hoạch du lịch hiệu quả và tối ưu hóa (AI có thể thực hiện công việc tốt hơn chính khách du lịch không).
Hội nghị cũng tập trung bàn thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tác động của nó lên hoạt động vận hành và trải nghiệm khách hàng: Thu hẹp khoảng cách giữa bảo trì mô tả và bảo trì theo quy định, biến thông tin liên lạc của trung tâm cuộc gọi thành doanh
thu và lòng trung thành, giải quyết các sự kiện gây rối thông qua trải nghiệm trò chuyện của khách hàng, sử dụng ý kiến của khách hàng để thúc đẩy việc lựa chọn và bán lẻ xuất sắc, sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo tính toàn vẹn về doanh thu và chi phí.
Tiến sĩ Dietmar Kirchner, Cựu Phó chủ tịch cao cấp hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa, tóm tắt các điểm nổi bật của hội nghị. Ông Nawal Taneja, Giáo sư ngành hàng không tại Viện công nghệ Massachusetts và Trường Đại học bang Ohio (Mỹ), là người chủ trì IAS 2024, sẽ kết thúc hội nghị vào chiều 29-2.
Bình luận (0)