Hơn 40 tuổi và có 10 năm làm việc tại công trường, anh Nguyễn Văn Lâm - công nhân (CN) một công ty xây dựng tại TP Thủ Đức, TP HCM - dự tính chỉ có thể theo nghề thêm 10 năm. "Bỏ nghề ở tuổi 50, nếu còn sức khỏe thì may lắm cũng chỉ làm thêm được 5 năm nữa. Để được hưởng chế độ hưu trí, tôi phải chờ 7 năm sau mới đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian chờ đợi quá lâu trong điều kiện kinh tế không cho phép, lúc đó cuộc sống của tôi chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi chỉ mong được hưởng lương hưu sớm" - anh Lâm nói.
Khó trụ đến tuổi hưu
Với chị Nguyễn Thị Kim Lan - CN một công ty da giày ở quận Bình Tân, TP HCM - 60 tuổi mới được nghỉ hưu là quá dài. Là CN sản xuất trực tiếp, chị thường phải tăng ca, thời gian đứng máy dài khiến sức khỏe giảm sút. Ở độ tuổi ngoài 40, những CN như chị Lan mắt đã mờ, thao tác không còn nhanh nhẹn. "Lớn tuổi, nếu không tự xin nghỉ thì cũng bị công ty đưa vào diện cắt giảm. Khó tìm được việc làm mới trong khi không có nguồn tích lũy thì tôi sẽ rút BHXH một lần, vì nếu đợi hưởng lương hưu cũng phải mất thời gian 10-20 năm nữa" - chị Lan bộc bạch.
Ông Nguyễn Đắc Thời, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), cho hay công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 nhưng đến nay số CN làm việc đến tuổi nghỉ hưu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trường hợp đủ điều kiện chủ yếu là nhân viên tạp vụ, còn CN trực tiếp sản xuất chỉ có vài người.
Thực tế, rất nhiều người lao động (NLĐ) muốn được hưởng lương hưu nhưng tuổi nghề cao nên không thể bám trụ lâu dài. Đồng thời, do lương hưu tính cho toàn bộ quá trình thấp, đặc biệt, đối với những ngành nghề nặng nhọc độc hại, NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi quy định, song lại bị trừ tỉ lệ hưởng 2% cho mỗi năm nghỉ trước tuổi nên họ không mặn mà và chọn rút BHXH một lần.
"Cần xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và cải thiện chế độ hưu trí để NLĐ thấy được lợi ích khi tham gia BHXH lâu dài, từ đó ở lại hệ thống an sinh" - ông Thời bày tỏ.
Ông Trần Phú Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TM Xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp, TP HCM), cũng cho hay đối với những CN may hay làm công việc nặng nhọc, độc hại, khi họ gần 50 tuổi công ty sẽ bố trí sang bộ phận khác, công việc nhẹ nhàng hơn. "Nếu không chuyển vị trí làm việc thì năng suất của họ khó đáp ứng yêu cầu sản xuất. Qua khảo sát, đa số CN tại công ty đều mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam" - ông Vinh đề xuất.
Giảm tỉ lệ khấu trừ khi nghỉ hưu sớm
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), hiện nay có một thực tế là không chỉ những CN làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm mà những NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường đang trong thời gian chờ nghỉ hưu không may mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Điều này khiến NLĐ lo lắng mất quyền lợi nên chọn phương án an toàn là rút BHXH một lần.
Từ thực trạng này, ông Hồng cho rằng đã đến lúc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu và đánh giá lại toàn diện về độ tuổi nghỉ hưu hiện nay theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019. Nên xem xét, kéo giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm những công việc, ngành nghề đặc thù hoặc NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại như trước đây theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012 (nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi).
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách BHXH hưu trí đa tầng. Chẳng hạn đối với lao động nam và nữ đã đóng BHXH trên 20 năm và đủ 50 tuổi trở lên mà có nguyện vọng không tiếp tục đóng BHXH hoặc bị mất việc làm, thất nghiệp, khó xin việc làm có thể được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội đa tầng hằng tháng với mức hưởng thấp hơn so với đối tượng là NLĐ đã đủ tuổi đời, đủ tuổi nghề theo luật định.
Xây dựng chính sách BHXH đa tầng và mở rộng diện bao phủ của lưới an sinh là một trong những mục tiêu của lần sửa đổi Luật BHXH lần này. Tuy nhiên, theo bà Lê Mỹ Hồng - Trưởng phòng nhân sự một công ty may mặc tại huyện Hóc Môn, TP HCM - nếu chỉ thực hiện bằng giải pháp giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống còn 15 năm) thì khó khả thi.
Bởi lẽ với số năm đóng đó, với người tham gia BHXH muộn thì tỉ lệ hưởng hưu tương ứng sẽ thấp, còn đối với người tham gia sớm nhưng sau đó không có điều kiện tham gia tiếp thì thời gian chờ đợi sẽ càng dài. Vậy nên, theo bà Hồng, giải pháp giảm độ tuổi nghỉ hưu, giảm tỉ lệ khấu trừ khi nghỉ hưu trước tuổi đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ khả thi hơn trong việc giữ chân NLĐ ở lại hệ thống an sinh.
Luật sư NGUYỄN HẢI NAM, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước: Xem xét mở rộng đối tượng
Các quy định hiện hành cũng đã xem xét đến việc quy định tuổi hưu thấp hơn ở những ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc những người bị suy giảm khả năng lao động. Tuy nhiên, quy định này chỉ mới xem xét đến yếu tố sức khỏe, an toàn cho NLĐ mà chưa đánh giá toàn diện cuộc sống của những NLĐ ở tất cả các ngành nghề.
Thực tế, những ngành nghề được quy định tuổi hưu thấp hơn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, không phải là phổ biến. Đối với lao động tại các vị trí làm việc có tính chất đặc thù như CN trực tiếp sản xuất với tuổi nghề rất ngắn nhưng nếu không thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì vẫn phải chờ đến tuổi theo quy định mới được lãnh lương hưu.
Do vậy, theo tôi nên xem xét mở rộng đối tượng có thể được hưởng lương hưu sớm hơn, không nhất thiết phải quy định cứng nhắc vào các ngành nghề có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… mà có thể xem xét đến tính chất đặc thù của công việc, bất kể thuộc ngành nào.
Bình luận (0)