Bạn đọc Lê Thụy Hồng Oanh (SN 1980, ngụ quận 7, TP HCM) hỏi: Tôi xem trên mạng xã hội thấy hai gia đình xích mích vì nhà kia lắp camera chỉa thẳng vào nhà người nọ. Cho tôi hỏi, việc gắn camera quay thẳng vào nhà người khác có vi phạm không? Họ có thể nhờ ai giải quyết? Nếu bức xúc quá họ đập camera thì có phạm tội không?
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TP HCM trả lời: Việc lắp đặt camera an ninh nhằm đảm bảo an ninh trật tự tương đối phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc hướng thẳng camera sang nhà hàng xóm để thu thập hình ảnh, video về cuộc sống gia đình người khác với mục đích xâm phạm đời sống riêng tư là vi phạm pháp luật.
Điều 21, Hiến pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý; trừ trường hợp luật có quy định khác.
Do đó, hành vi lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Nếu cảm thấy mình bị xâm phạm đời sống riêng tư bạn có thể yêu cầu hàng xóm lắp đặt lại camera để không bị ảnh hưởng. Nếu không được, bạn có khởi kiện ra tòa án buộc chấm dứt hành vi và có thể yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại (nếu có).
Trường hợp nếu có việc dùng hình ảnh từ camera xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của cá nhân có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu bị khởi kiện, người có hành vi xúc phạm danh dự còn có thể phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị ảnh hưởng.
Nếu có hành vi sử dụng hình ảnh từ camera để đưa lên mạng xã hội thì tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi đó mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. Cụ thể như sau:
Xử lý hành chính: Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với người có hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Quy định tại điều 34, Bộ Luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình.
Ngoài ra, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Xử lý hình sự: Nếu hành vi lắp camera của nhà hàng xóm quay sang nhà bạn và phát tán hình ảnh, video của gia đình bạn lên mạng xã hội kèm theo lời lẽ chế giễu được xem là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm
Có bức xúc cũng không được đập camera hàng xóm
Hành vi đập camera của nhà hàng xóm là vi phạm pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm đó xử lý như thế nào dựa vào kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng để giải quyết. Bởi vì Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.
Bình luận (0)