Lễ khai bút với các nội dung: Lễ cáo yết, văn tế dâng hương, diễn văn khai bút... Đặc biệt là màn khai bút do nhà thư pháp Nguyễn Đình Kế thuộc Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Hải Dương trình diễn.
Các chữ khai bút Hán tự gồm: "Phúc, An, Thịnh, Phát" và khai bút chữ quốc ngữ gồm 9 chữ "Thuận Thiên Địa, Hợp Nhân Tâm, Vạn Sự Thành" (Thuận với trời đất, hợp với lòng người, muôn sự muôn việc đều thành công); dâng chữ trình thầy...
Tục khai bút và xin chữ đầu xuân là nét văn hóa đẹp từ nhiều đời nay. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy Chu Văn An, thường được thầy thăm hỏi, trò chuyện… Qua đó, thầy thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người.
Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng mỗi người một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng chữ đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất.
Lễ khai bút đầu Xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam và nhằm tỏ lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt.
Thầy Chu Văn An sinh năm 1292, tên thật là Chu Văn, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học, truyền bá, giáo dục tư tưởng, đạo đức Khổng giáo vào nước ta. Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này).
Đến đời vua Trần Dụ Tông, triều chính thối nát, gian thần khắp nơi, ông dâng "Thất trảm sớ" xin chém 7 tên gian thần nhưng không được nhà vua chấp thuận nên ông đã quay về núi Phượng Hoàng ở ẩn, dạy học, viết sách cho đến khi qua đời vào năm 1370, thọ 79 tuổi.
Tương truyền, khi về núi Phượng Hoàng ở ẩn, mỗi lần học trò về thăm, thầy đều trò chuyện, hỏi han từng người rồi tự tay viết tặng mỗi trò một chữ để khích lệ học trò phấn đấu.
Điều đặc biệt nữa là tại núi Phượng Hoàng xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu Văn An thường dùng để viết chữ.
Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với vẹn nguyên ý nghĩa…
Bình luận (0)