Cuối năm 2023, trong tuyến bài "Xe buýt TP HCM: Khó khăn vây bủa", Báo Người Lao Động đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến loại hình vận tải công cộng này sa sút so với những năm 2000.
Cụ thể, mạng lưới xe buýt chưa phủ đều, mô hình quản lý vận tải hành khách công cộng lỗi thời. Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, thói quen đi lại của hành khách cũng ít nhiều thay đổi.
Bằng việc đồng bộ nhiều giải pháp của ngành chức năng, những trở ngại trên dần được hóa giải. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã chứng minh điều đó với số liệu 10 tháng đầu năm 2023, hành khách đi xe buýt đạt 67,1 triệu lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, quá trình gượng dậy tìm lại thời hoàng kim của xe buýt bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nhiều đối tượng lợi dụng tình trạng đông người, đứng ngồi nhốn nháo để ra tay trộm cắp.
Băng nhóm do Nguyễn Thị Mận cùng 5 đồng phạm hoành hành trên nhiều tuyến xe buýt vừa bị triệt phá cuối tuần qua làm dấy lên nỗi lo về an ninh, an toàn mỗi khi di chuyển bằng phương tiện này. Không ai chắc chắn những nhóm tội phạm tương tự không xuất hiện tại các điểm, tuyến khác.
An toàn về tài sản, an toàn về thân thể (không bị động chạm, quấy rối) luôn là mối quan tâm hàng đầu của hành khách đi xe buýt.
Do vậy, việc bố trí camera, cách sắp xếp vị trí hành khách, biện pháp phối hợp với lực lượng công an… của các hãng xe buýt dù đã có nhưng cần khoa học, kỷ luật, nhuần nhuyễn hơn.
Phải để kẻ gian biết chúng không được phép và không thể ngăn cản tiến trình hồi phục, phát triển của xe buýt bằng hành vi phạm pháp của mình.
Có như vậy, việc kéo người dân trở lại loại hình vận tải công cộng - luôn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh đô thị hiện nay - mới mạnh mẽ.
Bình luận (0)