Hiện nay, phát triển tài chính xanh theo hướng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam lựa chọn.
Nhiều thách thức
Là đầu tàu mũi nhọn kinh tế, TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách này tại thành phố đã đạt được những hiệu quả nhất định khi các nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến thị trường trái phiếu xanh, số lượng dự án, chương trình xanh ngày càng tăng, nguồn vốn được huy động thuận tiện hơn thông qua thị trường trái phiếu xanh.
Mặc dù đạt được những thành công nhưng việc phát triển thị trường trái phiếu xanh tại TP HCM vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư chưa được trọn vẹn.
Thứ nhất, việc ban hành chính sách còn chậm, chưa theo kịp trình độ phát triển tiến bộ chung của khoa học - công nghệ, chưa mang lại chuyển biến rõ rệt cho thành phố. Nhiều biện pháp chưa đủ để khuyến khích các công ty đầu tư vào tăng trưởng xanh. Cách tiếp cận chủ yếu từ trên xuống đã hạn chế các sáng kiến của khu vực tư nhân.
Thứ hai, nhận thức về trái phiếu xanh trong các cơ quan chính quyền nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp tại thành phố còn thấp.
Các nhà điều hành và cơ quan quản lý các cấp vẫn chưa tích cực tham gia vào việc thu hút nhà đầu tư chiến lược thông qua trái phiếu xanh và chưa coi đây là ưu tiên cấp bách.
Từ đó, thiếu các giải pháp điều phối, giám sát liên ngành và khu vực, dẫn đến năng lực thực tiễn còn yếu.
Thứ ba, thị trường trái phiếu xanh, tuy được thí điểm sớm tại TP HCM nhưng vẫn thiếu hoạt động của các tổ chức trung gian như cơ quan xếp hạng độc lập.
Nhận thức của nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu xanh vẫn còn hạn chế. Hầu hết các nhà đầu tư trong nước chưa nhận thức đầy đủ về đầu tư có trách nhiệm, dẫn đến nhu cầu đầu tư vào trái phiếu xanh thấp.
Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa triệt để. Nhiều chính sách của Bộ Tài chính hạn chế các chính sách khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chẳng hạn, chính sách trợ giá điện và giữ lạm phát bình quân hằng năm dưới 5% của Bộ Tài chính sẽ làm giảm cơ hội cạnh tranh cho các dự án năng lượng tái tạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chính vì vậy, việc thực hiện các chính sách tại các cơ quan ở TP HCM vẫn bị chồng chéo, khó thực thi.
Hoàn thiện khung chính sách, nâng cao nhận thức
Để phát triển thị trường trái phiếu xanh, TP HCM cần thiết lập và xác định định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững.
Hơn nữa, cần có những văn bản chỉ thị cụ thể xác định rõ ràng các tiêu chí xác định trái phiếu xanh cũng như nguyên tắc phát hành, quản lý và sử dụng trái phiếu xanh tại thành phố.
Các chính sách liên quan đến trái phiếu xanh cần sớm được ban hành song song với các chính sách tăng trưởng xanh; đặc biệt xem TP HCM là nơi thí điểm cho các chính sách này.
Ngành tài chính cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài khóa để phát triển thị trường và các sản phẩm trái phiếu xanh, trong đó có các điều kiện đăng ký tại các cơ quan chuyên ngành tại thành phố.
TP HCM cần thúc đẩy phát triển các tổ chức tài chính xanh để huy động vốn và đầu tư vào các dự án phát triển xanh. Trước hết, cần khuyến khích các tổ chức tài chính xanh thành lập chi nhánh tại thành phố: ngân hàng xanh, quỹ đầu tư xanh.
Đồng thời, cần thành lập quỹ bảo lãnh xanh, ngân hàng đầu tư xanh để đứng ra bảo lãnh cho các đợt phát hành trái phiếu xanh.
Một vấn đề không kém phần quan trọng đó là nâng cao nhận thức và thúc đẩy công khai các chính sách về tăng trưởng xanh, tài chính xanh và thị trường trái phiếu xanh.
Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý các cấp, chính quyền tại thành phố bằng cách công khai các chính sách, mục tiêu, thách thức phát triển thị trường trái phiếu xanh cho từng ngành, cơ quan có liên quan.
Các sở, ngành và chính quyền tại thành phố cần nhanh chóng rà soát kế hoạch, áp dụng và lồng ghép các chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Đối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần sớm hướng dẫn, hỗ trợ giải pháp, khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiên phong thí điểm trái phiếu xanh, xây dựng mô hình nhân rộng thành công.
Bên cạnh đó, TP HCM phải thực hiện các bước để tăng cường sức hấp dẫn của trái phiếu xanh đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện các biện pháp phát triển thị trường.
Hơn nữa, ngân hàng trung ương và ngân sách của thành phố phải ưu tiên nguồn lực đầy đủ để thực hiện chiến lược trái phiếu xanh, nhất là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng nhân tạo.
Chính sách ưu đãi
Cần áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút vốn từ các tổ chức tài chính, quỹ, nhà đầu tư tư nhân quốc tế và mở rộng đầu tư vào các dự án, lĩnh vực phát triển; đồng thời, cần tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra cho trái phiếu xanh; kết hợp xây dựng, quản lý và phát triển các chỉ số bền vững khác nhau.
Bất kỳ thông báo chính sách nào cũng cần có sự tham vấn liên ngành để kết hợp hài hòa các biện pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Bình luận (0)