"Mấy năm trước, người tìm việc đến xếp hàng nộp hồ sơ sau Tết, người này giới thiệu người kia. Nhưng giờ tuyển lao động phổ thông khó quá. Năm đầu tiên tôi đi phát tờ rơi tuyển công nhân may ở bến xe" - ông Lê Anh Xuân, thành viên bộ phận tuyển dụng Tổng Công ty CP May Việt Tiến (quận Tân Bình, TP HCM) cho hay.
Biết Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM triển khai chương trình hỗ trợ, đặt bàn tư vấn việc làm miễn phí cho người lao động các tỉnh quay lại TP HCM làm việc, bộ phận tuyển dụng của công ty đã phối hợp để phát tờ rơi tuyển lao động. Trong năm 2024, tổng công ty cần tuyển dụng 1.000 lao động vị trí công nhân may, cắt vải, ủi, hoàn thành, đóng gói… với mức thu nhập từ 11 - 30 triệu đồng/tháng. Tùy vị trí công việc, doanh nghiệp có những yêu cầu khác nhau.
Đầu năm, doanh nghiệp đến các bến xe, nhà ga để tuyển lao động từ các tỉnh lên TP HCM
Làm ngành may 25 năm, lý giải việc ngày càng khó tuyển lao động phổ thông, ông Xuân cho rằng hiện nhiều tỉnh, thành cũng có nhà máy, khu công nghiệp (KCN) trong khi chi phí sống ở TP HCM ngày càng cao nên nhiều người chọn làm gần nhà. Chẳng hạn khu vực quanh KCN Tân Bình, tiền thuê nhà 2 triệu đồng cộng với ăn uống, chi tiêu hàng ngày là hết tháng lương, nếu có con cái học hành khó trang trải" - ông Xuân nêu thực tế.
Đại diện Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho hay dù doanh nghiệp đã ra quân tại bến xe An Sương (huyện Hóc Môn), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) và ga Sài Gòn (quận 3) nhưng vẫn không tuyển được người. Công ty hiện đang tận dụng nguồn lao động mới do chính công nhân cũ giới thiệu và tăng cường tìm kiếm tại các hội, nhóm, trang web tuyển dụng.
Còn TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết có hiện tượng nghịch lý, người thất nghiệp hoặc mất việc làm, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động; cung - cầu lao động còn nhiều bất cập cho thấy thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Lý giải về việc khó tuyển lao động phổ thông, Ths Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho biết những năm tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên 4 xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; gia tăng "khởi nghiệp, tự tạo việc làm".
Song song đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ dần phổ biến; dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ – trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bình luận (0)