Tại "Ngày hội kết nối việc làm cho đoàn viên Công đoàn, thanh niên công nhân (CN) và người lao động (NLĐ)" trên địa bàn TP HCM do LĐLĐ thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành Đoàn và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) thành phố tổ chức mới đây, thu hút hơn 2.000 người đến tìm hiểu, đăng ký tìm việc tại 92 đơn vị, DN tham gia tuyển dụng gần 20.000 vị trí việc làm.
Lương cao, yêu cầu cao
Ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May Việt Tiến (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết DN đang có nhu cầu tuyển dụng trên 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là CN may, CN trực tiếp sản xuất, kiểm hàng, vị trí quản lý, văn phòng...
"Đơn hàng của Việt Tiến ký kết với khách hàng có thể bảo đảm đến hết tháng 6-2024. Trong năm 2023, việc làm, thu nhập của NLĐ của tổng công ty luôn ổn định, bởi đây là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi" - ông Phát nói. Với gần 50 năm thành lập, DN rất quan tâm đến chế độ, chính sách của NLĐ; bảo đảm thu nhập bình quân của NLĐ từ 11,5 triệu đồng/tháng trở lên.
Theo ông Phát, Việt Tiến hiện có nhà máy ở nhiều tỉnh, thành như: Ninh Thuận, Vĩnh Long, Cần Thơ… nên rất cần CN có tay nghề may để bắt nhịp sản xuất. Do đó, đơn vị mở rộng cửa đón CN, nhất là CN may có tay nghề bị cắt giảm ở TP HCM và các tỉnh lân cận đến tìm việc nhưng đến nay số lượng tuyển được rất ít.
Gian hàng được nhiều ứng viên đến tìm hiểu nhiều nhất là Công ty CP Viện máy tính Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP HCM), vì đăng bảng tuyển dụng với mức lương "khủng". Ông Phạm Văn Phú, Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Viện máy tính Việt Nam, cho hay công ty đang có nhu cầu mở thêm chi nhánh mới, vì vậy đang tuyển thêm khoảng 1.000 nhân viên kỹ thuật có tay nghề với mức thu nhập 39 triệu đồng/tháng.
"Công ty hiện có hơn 6.000 nhân viên nhưng với nhu cầu mở rộng nên cần tuyển thêm số lượng lớn. Trong ngày hội, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồ sơ nhưng có 20 ứng viên đạt yêu cầu và có thể đi làm ngay" - ông Phú thông tin thêm. Sắp tới, Công ty CP Viện máy tính Việt Nam cố gắng duy trì nhân sự đang làm việc, đồng thời mở chương trình đào tạo kỹ thuật cho nhân viên mới, đáp ứng các yêu cầu công việc.
Bà Nguyễn Thị Hoa, phụ trách tuyển dụng Công ty CP Kỹ thuật cơ khí ASEAN (quận Tân Bình), cho biết DN đang có nhu cầu tuyển 2 kỹ sư cơ khí thủy lực, 5 CN cơ khí sửa chữa ô tô, với mức thu nhập cao nhưng tuyển không đủ người. Đánh giá về vấn đề này, bà Hoa cho rằng do các trường đào tạo ngành kỹ thuật ở TP HCM không nhiều. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật rất khó khăn.
Doanh nghiệp cần linh hoạt hơn
Tương tự, Công ty TNHH Kex Express Việt Nam (quận Tân Bình, TP HCM) cần tuyển 33 nhân viên sale (bán hàng) trong nước, quốc tế; nhân viên dịch vụ khách hàng, vận hành… Công ty đưa ra nhiều chế độ ưu đãi như: NLĐ được cung cấp máy tính, mua bảo hiểm sức khỏe, nâng lương định kỳ, khám sức khỏe, đào tạo nâng cao năng lực, có lộ trình thăng tiến rõ ràng… Mức lương công ty đưa ra là 10 - 20 triệu đồng/tháng, cùng với thưởng hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy các chế độ ưu đãi và lương hấp dẫn nhưng công ty cũng đưa ra yêu cầu khá cao như: ứng viên phải có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; biết tiếng Anh hoặc tiếng Trung giao tiếp; có kiến thức về logistics, có kinh nghiệm sale, khả năng đàm phán cùng khách hàng… Bà Trương Thục Mỹ, phụ trách gian hàng tuyển dụng Công ty TNHH Kex Express Việt Nam, cho biết do yêu cầu công ty đưa ra là ứng viên phải hiểu về ngành logistics và thông thạo tiếng Trung nên tại ngày hội không có ứng viên nào đáp ứng được yêu cầu.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Manpower - ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng thị trường nhân sự tại Việt Nam vẫn đang ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt, trong đó nhu cầu về nhân sự có chuyên môn tay nghề cao đã tăng lên rõ rệt so với thời điểm trước dịch.
"Nếu nhà tuyển dụng chỉ dựa vào lương thì vẫn chưa đủ để thỏa mãn được nhu cầu và mong muốn đa dạng của NLĐ. Trong khi đó, DN liên tục tăng mức lương, thưởng không phải là một phương án khả thi về lâu dài. Do vậy, DN cần thoát khỏi lối mòn và linh hoạt hơn trong bài toán thu hút và giữ chân nhân tài" - bà Trang nói.
Theo bà Trang, đại dịch COVID-19 đã thay đổi những kỳ vọng của cả nhà tuyển dụng và NLĐ, khiến họ chú trọng nhiều hơn sự hài hòa giữa công việc - cuộc sống. Bà nhận định NLĐ thuộc mọi thế hệ giờ đây mong muốn nhận được cả những phúc lợi khác từ DN như được nghỉ phép chăm con có hưởng lương, được đào tạo và phát triển kỹ năng, hay được lựa chọn linh hoạt nơi làm việc… Do vậy, hiện ngày càng nhiều DN tại Việt Nam thực sự quan tâm đến điều này và nhanh chóng triển khai các sách lược phù hợp nhằm thu hút NLĐ.
Mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy số NLĐ đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng, vẫn có khoảng 38,3 triệu NLĐ chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Tỉ lệ lao động trong khu vực phi chính thức cao (chiếm 65%), thị trường thiếu việc làm bền vững, vẫn tồn tại hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ.
Một trong những giải pháp được đẩy mạnh trong năm 2024 là chuyển đổi số, tăng cường kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành, vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, ĐBSCL (nơi có nguồn nhân lực dồi dào). Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề của DN.
M.Trinh
Bình luận (0)