Vòng chung kết có 12 đội gồm lưu học sinh đến từ Úc, Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc đang học tại các trường khu vực miền Bắc, miền Trung và khu vực miền Nam.
Với nội dung tự chọn, mỗi chủ đề là sự thể hiện độc đáo về thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, ngâm thơ, đọc ca dao và hát bằng tiếng Việt, tạo nên những bài dự thi đa sắc màu vô cùng ấn tượng.
Ở mỗi bài thi, các thí sinh không chỉ sử dụng tiếng Việt thuần thục mà có sự hiểu biết rất sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và thực sự đã hòa mình vào văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại 160 cơ sở đào tạo của Việt Nam. Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hàng năm có 4.000 đến 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Không chỉ vậy, việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hoá, lan toả bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hoá cho lưu học sinh đang học tập Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam nói chung.
Là đơn vị đăng cai tổ chức cả Vòng thi khu vực phía Nam và Vòng chung kết toàn quốc, PGS- TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), chia sẻ tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, ngày càng nhiều người nước ngoài yêu thích và tìm hiểu, theo học. Tiếng Việt cũng đã trở thành một trong những môn ngoại ngữ được giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cuộc thi hùng biện tiếng Việt năm 2023 lần đầu tiên được Bộ GD- ĐT tổ chức đã thu hút 600 lưu học sinh từ 15 quốc gia đang học tập ở 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia.
Bình luận (0)