Ngày 21-2, một số y-bác sĩ, người lao động thuộc Trung tâm Y tế quận Phú Xuân, TP Huế cho biết họ vẫn đang bị nợ lương tháng 12-2024 và chưa được nhận tiền truy lĩnh quý IV theo Nghị định 73 cũng như mức lương mới theo quy định trong tháng 1 và 2 của năm 2025. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế, người lao động ở Trung tâm Y tế quận Phú Xuân "dài cổ" chờ lương tháng 12-2024 và tiền truy lĩnh theo mức mới.
Trung tâm Y tế quận Phú Xuân được thành lập trên cơ sở Trung tâm Y tế TP Huế cũ (trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau khi tỉnh này trở thành thành phố Huế trực thuộc trung ương kể từ ngày 1-1-2025. Đơn vị này đóng tại đường Kim Long, phường Kim Long, quận Phú Xuân với cơ cấu tổ chức gồm 2 phòng chức năng, 15 khoa chuyên môn và 13 trạm y tế.
Ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế được xác định mức độ tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, Sở Y tế TP Huế đã được cấp có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước (khoảng 66,7 tỉ đồng) để thực hiện chính sách tiền lương theo mức độ tự chủ tài chính của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, ông Bắc cho biết do nhiều yếu tố nên một số đơn vị thu không đủ chi lương, dẫn đến chưa đảm bảo để chi trả lương.
Để đảm bảo chế độ chính sách tiền lương cho cán bộ công nhân viên ngành y tế, ông Bắc cho biết Sở Y tế TP Huế đã tổng hợp và đã có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền xin cấp bổ sung kinh phí tiền lương còn thiếu.
Từ năm 2022, ngành y tế TP Huế được giao 1.555 vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách, 1.448 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Bình luận (0)