Đảng bộ thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có gần 900 đảng viên với 3 đảng bộ bộ phận và 17 chi bộ trực thuộc. Trong đó, Chi bộ Tổ dân phố 3 có số đảng viên đông nhất, với 94 người thuộc 4 tổ đảng, nên Huyện ủy Bố Trạch chọn để thí điểm mô hình "Sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng đối với các chi bộ đông đảng viên".
Tạo sự linh hoạt
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 3, cho biết thực hiện thí điểm tổ chức sinh hoạt đối với chi bộ đặc thù, chi ủy tổ chức sinh hoạt vào ngày 24 hằng tháng. Sau khi tiếp thu các nhiệm vụ được giao, mỗi tổ đảng sinh hoạt một buổi do tổ trưởng sắp xếp thời gian, mời bí thư hoặc phó bí thư Đảng bộ thị trấn đến dự và chỉ đạo, giải trình các nội dung đảng viên chưa rõ.
"Việc sinh hoạt chi bộ tại các tổ đảng đã góp phần phát huy được trách nhiệm, vai trò của các tổ trưởng trong việc chỉ đạo triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nghị quyết chi bộ tại cơ sở và góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại địa phương" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Việt Trung, cho hay khi triển khai sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng đối với các chi bộ đông đảng viên, tỉ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt từ 85%-90%, tăng so với sinh hoạt ở chi bộ từ 35%-38%.
Mô hình sinh hoạt chi bộ có tính chất đặc thù tại Chi bộ Tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Tại Quảng Bình, tính đến cuối tháng 1-2023, có 43 chi bộ thí điểm sinh hoạt Đảng. Ngoài 40 chi bộ thí điểm sinh hoạt tại tổ Đảng, còn có 3 chi bộ thí điểm sinh hoạt trực tuyến, gồm: Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và Chi bộ Bình Dương - Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh.
Bà Lê Thị Thu Cúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Phú (TP Đồng Hới) - nhận xét với các chi bộ thí điểm sinh hoạt trực tuyến, hình thức này đã tạo sự linh hoạt và phù hợp với hoạt động của đơn vị trong những thời điểm khó có thể tổ chức sinh hoạt chi bộ toàn thể. Đảng viên có điều kiện tham gia sinh hoạt, hầu hết đạt 100%, vừa tiết kiệm thời gian đi lại vừa có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, sinh hoạt trực tuyến góp phần quan trọng tránh sự "đứt gãy" trong sinh hoạt chi bộ, tạo thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đúng và trúng thời điểm
Đảng bộ tỉnh Quảng Bình có 577 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 333 đảng bộ cơ sở, 244 chi bộ cơ sở; 76 đảng bộ bộ phận, 3.252 chi bộ trực thuộc và 76.693 đảng viên. Đặc biệt, Quảng Bình có nhiều chi bộ mang tính chất đặc thù. Cụ thể, có 80 chi bộ với 2.449 đảng viên ở địa bàn giáp biên giới; 127 chi bộ với 3.334 đảng viên ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Do tính chất đặc thù nên việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ này gặp nhiều khó khăn như: Tỉ lệ đảng viên vắng sinh hoạt cao; tổ chức thảo luận không tập trung; triển khai thực hiện nghị quyết không kịp thời, đồng bộ… Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, thiên tai… thì việc duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ thường xuyên bị ảnh hưởng.
Từ thực tiễn đó, cuối năm 2021, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình đặt ra yêu cầu phải mạnh dạn đổi mới, áp dụng một số hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức đảng ở cơ sở. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương thí điểm 2 hình thức mới trong sinh hoạt Đảng đối với các chi bộ đặc thù, đó là sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng ở những chi bộ khu dân cư có số lượng đảng viên đông và sinh hoạt trực tuyến ở những chi bộ có đảng viên thường xuyên làm nhiệm vụ ở địa bàn phân tán và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
Đến nay, 9/13 Đảng bộ cấp trên cơ sở đã lựa chọn 43 chi bộ thí điểm tổ chức sinh hoạt. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã ban hành hướng dẫn về "Thí điểm tổ chức sinh hoạt đối với một số chi bộ đặc thù". Đây được xem là cẩm nang để các chi bộ đặc thù thí điểm sinh hoạt chi bộ áp dụng phù hợp với nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị và loại hình chi bộ.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, qua thí điểm một số mô hình sinh hoạt mới đối với các chi bộ đặc thù, việc sinh hoạt chi bộ đã đúng trọng tâm hơn, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; ý thức tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ được nâng cao...
Tuy nhiên, mô hình sinh hoạt mới ở chi bộ đặc thù cũng nảy sinh một số hạn chế như: Việc sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng kéo dài thời gian và tăng số lần dự họp, đầu tư nhiều thời gian, công sức của chi ủy, bí thư và phó bí thư. Đối với sinh hoạt trực tuyến, tình trạng internet ở một số điểm cầu khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt.
Ông Trần Vũ Khiêm, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết những bài học rút ra từ thực tiễn trong việc thí điểm mô hình sinh hoạt với chi bộ đặc thù lần đầu được triển khai ở Đảng bộ tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết, bổ sung, hoàn thiện…
"Điều quan trọng nhất là các chi bộ thực hiện thí điểm mô hình sinh hoạt mới cần chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập, duy trì có nề nếp và bảo đảm chất lượng sinh hoạt chi bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên" - ông Trần Vũ Khiêm nhấn mạnh.
Thí điểm toàn quốc
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, từ kết quả mô hình thí điểm của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và TP Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng hướng dẫn triển khai trong toàn quốc. Cuối năm 2022, Ban Bí thư đã ban hành hướng dẫn số 03-HD/TW về thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt Đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên.
Bình luận (0)