Năm 1975, tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát Nhân dân, ông Nguyễn Mạnh Kiều được phân về công tác tại Đoàn 375 thuộc Cục Cảnh vệ bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Kiều được điều động tăng cường cho tỉnh Thuận Hải, sau đó công tác tại Công an tỉnh Ninh Thuận cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2012, cấp hàm thượng tá.
Được dân tin, quý
Nghỉ hưu, ông Kiều tham gia công tác tại khu phố 4, phường Bảo An (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), được các đảng viên ở đây tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận của khu phố.
Ông Kiều nói khi công tác ở Đoàn 375, được ông Vũ Kỳ (nguyên thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh) kể nhiều chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ, đặc biệt là sự gần gũi với người dân. Từ đó, ông luôn dặn lòng làm việc gì cũng phải vì dân, lắng nghe dân, nói cho dân nghe, làm cho dân tin tưởng.
Làm bí thư chi bộ, ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống, lắng nghe ý kiến của các đảng viên; bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư của người dân; từ đó, đưa ra tập thể bàn bạc tìm biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong cộng đồng, nhất là vệ sinh môi trường trong khu dân cư, công ăn việc làm của người dân…
Ông Nguyễn Mạnh Kiều (phải) trong một lần đi vận động người dân xây dựng khu phố văn hóa
Nhờ biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể mà rất nhiều vụ việc khó khăn đã được ông cùng tập thể chi bộ giải quyết thấu tình, đạt lý, được các đảng viên và người dân ủng hộ.
Điển hình như việc vận động đóng góp kinh phí để cải tạo hệ thống nước thải sinh hoạt tại một hẻm dài trên 100 m với 17 hộ dân sinh sống. Ở đây không có hệ thống cống thoát nên nước thải sinh hoạt cứ xả ra đường làm môi trường thường xuyên ô nhiễm. Ông Kiều tổ chức họp dân, giải thích cho bà con hiểu làm sạch môi trường chính là giữ gìn vệ sinh cho mình, đồng thời góp phần xây dựng khu phố văn minh. Vậy là bà con tự nguyện đóng hơn 32 triệu đồng để xây dựng hệ thống nước thoát, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường lâu nay.
Bà Trương Thị Mỹ, đảng viên trong Chi bộ khu phố 4, nhận xét: "Đồng chí Kiều là đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tạo được sự đoàn kết trong chi bộ, trong nhân dân; gương mẫu trong mọi công việc nên được mọi người tin yêu, quý mến".
Bàn tới, không bàn lùi
Khu phố 4 có 600 hộ với trên 2.000 người. Với vai trò người đứng đầu khu dân cư, ông Kiều tham mưu cho chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện từng công trình, phần việc với phương châm "Chỉ bàn tới, không bàn lùi; khó khăn đến đâu tìm biện pháp tháo gỡ tới đó".
Với tinh thần quyết tâm cao và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân mà khu phố 4 trở thành khu dân cư tiên tiến của phường Bảo An. Từ năm 2013 đến nay, khu phố đã vận động đóng góp sức người, sức của xây dựng nhiều công trình phúc lợi, như: Đổ bê-tông gần 1.000 m đường trị giá trên 1 tỉ đồng, kết hợp lắp 13 bóng đèn cao áp chiếu sáng trị giá 37,5 triệu đồng; lắp hệ thống đèn chiếu sáng trị giá 27 triệu đồng cho các hẻm; xây dựng hệ thống thoát nước sinh hoạt cho hẻm 68 Nguyễn Du…
Bà Trịnh Thị Mười (ngụ tổ 13, khu phố 4) kể lúc đầu bà cho rằng xây dựng công trình công cộng là việc của nhà nước, không phải việc của dân nên nhất quyết không đóng góp. Ông Kiều đã kiên trì giải thích, rồi bằng những ví dụ cụ thể giúp bà hiểu được tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó, bà tự nguyện đóng góp và còn tích cực vận động những người khác đóng góp kinh phí làm đường bê-tông, lắp điện thắp sáng đường phố, ủng hộ quỹ "Vì người nghèo", quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"...
Bà Mười chia sẻ: "Ông Kiều kiên trì giải thích, tôi thấy đúng nên tự nguyện đóng góp và vận động bà con tham gia để xây dựng khu phố ngày càng văn minh, sạch đẹp".
Giúp thanh niên giữ "lửa"
Ông Kiều còn được mọi người xem là cầu nối, giúp các thế hệ thanh niên giữ "lửa" truyền thống và gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, qua đó khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Vào những ngày lễ lớn, ông Kiều đều tổ chức đưa thanh niên của phường đến thăm các khu di tích lịch sử để ôn lại truyền thống của cha ông. Đường vào di tích lịch sử miếu Năm Bà ở khu phố này trước đây um tùm cây cỏ, chỉ xe đạp, xe máy mới vào được. Ông Kiều vận động người dân phát quang, mở rộng đường. Rồi với sự vận động của ông Kiều, 2 ông Trương Văn Mai và Phùng Văn Hợp đã hiến tổng cộng hơn 200 m2 đất ở để mở rộng đường. Nhờ vậy, nay đường vào miếu đã khang trang sạch đẹp, ôtô 16 chỗ đến tận nơi.
Ông Nguyễn Thanh Sương, Bí thư Đảng ủy phường Bảo An, cho biết: "Với vai trò là một Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý khu phố, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiều đã điều hành rất tốt, đặc biệt là các công việc phường giao, các khoản đóng góp vì cộng đồng, được Đảng ủy tin tưởng, đảng viên và người dân yêu mến".
Bằng những đóng góp cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Kiều đã được Tỉnh ủy Ninh Thuận tặng bằng khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2012-2016); chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về vận động nhân dân xây dựng khu phố văn hóa, văn minh năm 2016; điển hình tiên tiến đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2015-2019).
Tâm đắc khi được dân đồng thuận
Năm nay, ông Nguyễn Mạnh Kiều đã 65 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng nhưng vẫn luôn hăng hái việc nước.
"Trong quá trình đi vận động nhân dân tham gia các phong trào, điều tâm đắc nhất đối với tôi là được dân hiểu, dân đồng thuận, sẵn sàng ủng hộ để xây dựng cuộc sống chung của cộng đồng. Theo tôi, bí quyết để vận động thành công là người đi vận động phải luôn theo nguyện vọng chính đáng của người dân để bàn bạc và quyết định. Công việc dù nhỏ đến đâu nhưng nếu có lợi cho dân, cho nước thì tôi cũng rất tự hào" - ông Kiều tâm sự.
Sinh hoạt định kỳ cũng cần sinh động
Hằng tháng, đảng viên là cán bộ (CB) hưu trí sẽ tham gia sinh hoạt Đảng định kỳ tại nơi cư trú. Thực tế cho thấy đối với việc sinh hoạt này, có chi bộ thực hiện nghiêm túc, đảng viên chấp hành sinh hoạt đầy đủ, trong buổi sinh hoạt giữ được trật tự không nói chuyện riêng, đảng viên tham gia góp ý kiến sôi nổi.
Tuy nhiên, ở một số chi bộ vẫn còn tình trạng nhiều đảng viên là CB hưu trí xem thường, bỏ bê việc sinh hoạt, thậm chí bí thư chi bộ đến mời tận nhà nhưng vẫn có đảng viên không chịu tham dự. Trong buổi sinh hoạt, khi những người điều hành đọc phổ biến nội dung các văn bản thì không chịu nghe mà nói chuyện riêng, gây mất trật tự.
Vì sao có trường hợp này xảy ra? Nguyên nhân theo tôi trước hết chủ yếu vẫn là do cấp ủy của chi bộ đó có thực sự nghiêm túc hay không trong công tác chỉ đạo, quản lý. Các cụ hưu trí tuổi cao đến sinh hoạt đúng giờ nhưng các thành viên cấp ủy cứ rề rà người đến người không thì rất khó nói. Nhiều vị trong cấp ủy ngại đụng chạm vào CB hưu trí là đảng viên, vì họ thường có quan hệ rộng.
Thêm nữa, còn do nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ nhiều nơi tổ chức đơn điệu, làm qua loa cho có, quanh đi quẩn lại cuộc nào cũng thấy bắt đầu bằng việc bí thư chi bộ lên đọc vài cái văn bản, đến tổ trưởng dân phố đọc báo cáo tình hình an ninh trật tự trong tháng, xong thì hỏi ai có ý kiến gì không, nếu không thì kết thúc buổi sinh hoạt.
Để đảng viên là CB hưu trí chấp hành nghiêm túc việc sinh hoạt định kỳ, xin có mấy ý kiến như sau: Trước tiên, chi bộ phải xây dựng quy chế hoạt động của chi bộ, quy định rõ nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ; không được nói chuyện riêng trong sinh hoạt; có sự thi đua giữa các tổ Đảng trong việc chấp hành nội quy sinh hoạt.
Khi sinh hoạt, đảng viên phải ngồi theo tổ Đảng để tổ dễ quản lý; đổi mới nội dung sinh hoạt cho sinh động bằng việc cung cấp những thông tin cần thiết cho đảng viên hay tập trung thảo luận về một vấn đề thời sự đang "nóng". Tổ chức Đảng cũng nên ban hành quy định về sinh hoạt Đảng đối với đảng viên là CB hưu trí để tạo sự thống nhất chung trong toàn đất nước.
Trần Văn Bình (đảng viên Chi bộ tổ dân phố 5, phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)
Bình luận (0)