Với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15-10-1949. Bài báo nổi tiếng này đã trở thành tài liệu nghiên cứu và học tập không thể thiếu đối với cán bộ thời bấy giờ, lan tỏa về ý nghĩa chính trị sâu sắc và cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
6 thành tố
Đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận thì bài báo "Dân vận" chính là cẩm nang mang tính cốt lõi cho cả quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận" (15.10.1949-15.10.2020), xin được bày tỏ một số suy nghĩ về bài báo này:
Cải cách hành chính để phục vụ nhân dân luôn được quan tâm, đẩy mạnh ở UBND quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi đề cập việc dân vận là phải làm thế nào, Hồ Chủ tịch viết: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc…". Như vậy, Hồ Chủ tịch chỉ ra rất rõ 6 thành tố mà người phụ trách dân vận phải có, đó là:
- Óc nghĩ, tức là nghĩ cho ra việc mình phải làm sao, phải mang lại kết quả tốt nhất, nghĩ đến điều "cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Phải lấy dân vừa làm mục tiêu vừa làm động lực để phấn đấu, hy sinh…
- Mắt trông, tức là cán bộ phụ trách dân vận phải thấy rõ tình hình nhân dân, thấy rõ lợi thế cũng như khó khăn của nhân dân, thấy việc cần phải hướng dẫn cho nhân dân làm (cả trước mắt và lâu dài), thấy cho rõ những đòi hỏi hợp pháp và chính đáng của nhân dân để đề xuất giải quyết.
- Tai nghe, tức là phải chăm chú nghe dân nói, dân bàn. Nghe dân ca ngợi cả những việc tốt và phê phán những việc không tốt, nhất là những việc liên quan đến quốc kế dân sinh; nghe phản ánh những việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, tình làng nghĩa xóm nơi cán bộ phụ trách.
- Chân đi, tức là yêu cầu bám sát cơ sở để mắt trông tận nơi, tai nghe tại chỗ nhằm thấu hiểu lòng dân. Thể hiện tính xông xáo, gương mẫu của cán bộ phụ trách dân vận, để "một hành động gương mẫu tốt hơn 100 bài tuyên truyền", để chống cho được tác phong quan liêu, chỉ ngồi chờ nghe cấp dưới báo cáo.
- Miệng nói, tức là phải nói lại cho dân hiểu sau khi nghe dân nói, dân bàn, dân kiến nghị. Đó cũng là cách thuyết phục quần chúng nhân dân làm đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; không để kẻ xấu mua chuộc, xúi giục, lôi kéo làm hại đến lợi ích quốc gia và của nhân dân.
- Tay làm, tức là phong cách sâu sát có tính nhạy bén, sáng tạo của người phụ trách dân vận, làm gương để quần chúng noi theo, làm những việc đúng cho dân thấy lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài. Chống cho được thói quan cách, nói mà không làm hoặc làm không như nói và phải thật thà nhúng tay vào việc như lời Bác dạy.
Tóm lại, 6 thành tố nêu trên nếu được thực hiện tốt thì sẽ mang lại thắng lợi như mong muốn, bởi đó chính là "dân vận khéo".
Chỉ rõ khuyết điểm, sai lầm
Hồ Chủ tịch cũng đã chỉ ra rất rõ: "Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại…". Đây chính là lời cảnh tỉnh của Người về sự xem nhẹ của cán bộ đối với nhiệm vụ dân vận.
Phải thấy rằng qua những kỳ đại hội của Đảng ta, nhiệm vụ dân vận đã được Trung ương Đảng và Chính phủ ngày càng đặt ra đúng tầm, đúng hướng; những quyết sách đưa ra đều lấy dân làm gốc. Chính vì bám vào nền tảng lợi ích nhân dân mà sức dân đã được khoan thư một cách hiệu quả, hợp tình, hợp lý theo chiều hướng ngày càng hợp lòng dân. Vì vậy, mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa dân với chính quyền ngày càng bền chặt. Đó là cơ sở chính trị vững chắc để xây dựng một khối đại đoàn kết toàn dân tộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo thế và lực để nước ta liên tục vươn lên tầm cao mới.
Ông LÊ VĂN SÁU, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi:
Quan tâm trẻ em nghèo hơn nữa
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp gala mang tên "5 mùa gieo hạt" để tổng kết 5 năm thực hiện "Cặp lá yêu thương".
Đây là chương trình thiện nguyện nhằm kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân có tấm lòng nhân ái để "trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời" đối với các em học sinh nghèo hiếu học trong cả nước. Gala "5 mùa gieo hạt" nhắn nhủ nhiều điều với chúng ta, trước hết là các cấp ủy, đảng viên, công nhân viên... có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của người dân để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Chương trình "Cặp lá yêu thương" đem lại hiệu quả rất thiết thực. Ngoài việc kết nối các nguồn tài trợ để xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng các điểm trường cho vùng khó khăn, chương trình còn trao cơ hội đi học cho hơn 3.600 học sinh nghèo để đến năm học này, một số em đã bước vào trường đại học. Cơ hội đổi đời là điều thấy rõ. Chương trình cũng đã chuyển hơn 51,6 tỉ đồng do 11.589 tổ chức, cá nhân ủng hộ tới nơi cần đến.
Hiện nay, cả nước còn trên 1 triệu hộ nghèo, chưa kể thiên tai đang hoành hành dữ dội ở các tỉnh miền Trung thì con số học sinh nghèo hiếu học cần được giúp đỡ đến trường sẽ phải còn nhiều hơn thế. Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải chung tay hơn nữa, bằng nhiều chủ trương, biện pháp và hành động cụ thể để chăm lo trước hết là cho con em nghèo ở chính địa phương mình, sau đó là cùng cả nước chăm lo cho thế hệ tương lai.
Thực tiễn cho thấy ở địa phương nào mà cấp ủy quan tâm, chính quyền sâu sát, cán bộ nhiệt tình thì ở đó dù điều kiện còn khó khăn, kinh tế chưa dồi dào nhưng trẻ em vẫn đến trường học hành đến nơi đến chốn. Đây phải là việc được đề ra cụ thể trong định hướng hoạt động của mỗi cơ sở Đảng trong nhiệm kỳ mới.
Ông TRẦN VĂN BÌNH - Chi bộ tổ dân phố 5, phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình:
Tăng cường định hướng thông tin
Thực tiễn vừa qua cho thấy việc định hướng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng đã được các cấp ủy tích cực triển khai đến cán bộ, đảng viên hưu trí, tạo được sự thống nhất trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều địa phương, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hăng hái hiến đất, hiến tài sản, ngày công để xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, bộ mặt thôn quê ngày càng xanh, sạch, đẹp; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, bê-tông hóa... Điều này khẳng định khi tư tưởng thông suốt thì mọi việc được người dân đồng tình ủng hộ cao. Muốn thế thì đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được chú trọng và nâng cao.
Hiện nay, dưới sự tác động của cơ chế thị trường và sự bùng nổ của các kênh thông tin, nhất là mạng xã hội, xuất hiện những kênh không chính thống của thế lực thù địch hay các phần tử bất mãn, chống đối lại đường lối, chủ trương của Đảng. Thông tin từ những kênh này đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân mắc phải sai lầm, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo phục vụ cho mục đích của chúng trong việc chống phá Đảng, nhà nước ta.
Để việc định hướng thông tin đúng, chính xác, kịp thời, nhằm tạo dư luận tốt trong xã hội, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, đối với địa phương có những thông tin trái chiều thì phải huy động các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tiếp công dân, tuyên truyền, giải thích và vận động nhân dân cùng thực hiện. Thứ hai, tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, các điểm nóng để nắm bắt dư luận xã hội, những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải thích những vướng mắc và tuyên truyền, vận động giúp người dân dễ hiểu.
Thứ ba, củng cố và phát huy mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội để kịp thời định hướng thông tin chính thống cho quần chúng nhân dân. Thứ tư, kịp thời nắm bắt thông tin không chính thống trên các trang mạng, thông qua hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội các cấp để nhanh chóng định hướng thông tin đúng, tạo dư luận tốt và sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Bình luận (0)