Quy chế 09 gồm 5 chương, 32 điều, với nhiều đổi mới theo hướng tăng cường trách nhiệm tập thể, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; giảm họp, tăng cường đi cơ sở, tập trung giải quyết công việc.
Ngoài việc yêu cầu dành 1/3 thời gian đi cơ sở thì khi địa phương, đơn vị có vụ việc mới xảy ra, vấn đề nổi cộm, phức tạp, đột xuất, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm, Quy chế 09 yêu cầu Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cơ sở giải quyết theo chức trách, nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm với địa bàn, đơn vị được phân công phụ trách.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát thực tế tình hình quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường ở quận Hoàng Mai .Ảnh: VIẾT THÀNH
Mới đây, Thành ủy TP HCM cũng có thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đáng chú ý là Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM phân công các thành viên của Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ làm tổ trưởng 13 tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy.
Các tổ này trực tiếp, thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình, dự án trọng điểm của thành phố; kịp thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ.
Có một sự ngẫu nhiên là khi 2 Đảng bộ của 2 thành phố lớn nhất nước ban hành quy chế làm việc và kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó đều phân công các lãnh đạo tăng cường đi cơ sở, kiểm tra, giám sát và tập trung giải quyết công việc liên quan đến đời sống dân sinh.
Đây là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh vừa qua, một số cán bộ, công chức, đảng viên có tâm lý sợ sai không dám làm khiến cho công việc trì trệ. Cho nên, việc lãnh đạo cấp trên đi cơ sở, giám sát công việc sẽ giúp tháo gỡ tâm lý lo ngại của cán bộ cơ sở trong giải quyết công việc hằng ngày.
Thực tiễn đã chứng minh ở địa phương nào cán bộ thường xuyên dành thời gian đi cơ sở thì nơi đó công việc diễn ra trôi chảy, đem lại hiệu quả cao. Để việc này thực sự hiệu quả, bản thân cán bộ cần xây dựng các kỹ năng cơ bản khi đi cơ sở, thu thập thông tin về tình hình cơ sở và lắng nghe ý kiến nhiều chiều nhằm đưa ra quyết định khi giải quyết vấn đề của cơ sở nêu ra. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động tái giám sát kết quả thực hiện sau quá trình đi thực tế.
Bình luận (0)