Thực hiện nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết 18), ngay từ tháng 11-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thiết kế, xác lập mô hình tổ chức, trên cơ sở đó thành lập Cơ quan Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) - gọi tắt là Cơ quan Khối, ở các huyện: Đạ Huoai, Lâm Hà, Đạ Tẻh để thí điểm nhằm rút kinh nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy theo mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung của khối.
Giảm đầu mối bên trong
Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ các huyện ủy nêu trên đã ban hành quy chế hoạt động; quy chế làm việc; phân công, phân nhiệm lãnh đạo khối và bộ phận giúp việc; quyết định thành lập Cơ quan Khối ở các xã, thị trấn, nhằm bảo đảm sự hoạt động thông suốt từ huyện đến cơ sở. Cơ quan Khối quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền như: Quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế làm việc; chương trình, kế hoạch công tác chung của Cơ quan Khối...
Về tổ chức, bộ máy, mỗi tổ chức trong Cơ quan Khối vẫn tồn tại độc lập theo điều lệ của tổ chức mình và theo sự chỉ đạo thường xuyên của ngành dọc cấp trên. Về nhân sự, thực hiện bảo đảm theo đề án vị trí việc làm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng phê duyệt. Trưởng Cơ quan Khối do một ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, trưởng Ban Dân vận, đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đảm nhận. Các phó trưởng khối gồm phó chủ tịch thường trực ủy ban MTTQ huyện và trưởng các đoàn thể huyện.
Trên cơ sở tổng số biên chế và vị trí việc làm hiện có, Cơ quan Khối thành lập 4 ban: Tổng hợp; Tuyên truyền; Kiểm tra, giám sát và Phong trào. Tổ chức bộ máy cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể cấp xã được thành lập tương tự cấp huyện nhưng chỉ có 2 tổ giúp việc. Một tổ gồm các bộ phận: văn phòng, kiểm tra, giám sát…; một tổ gồm các bộ phận: tuyên giáo, phong trào. Cơ quan Khối ở 2 cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 282-QĐ/TW ngày 1-4-2015 của Ban Bí thư và cấp ủy giao; phối hợp với chính quyền và các tổ chức khác trên địa bàn để vận động, bảo vệ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Qua sơ bộ đánh giá thí điểm vận hành mô hình này, bước đầu cho thấy nhận thức và ý thức của cấp ủy, thường trực MTTQ và những người đứng đầu các đoàn thể CT-XH được nâng lên, thể hiện bằng trách nhiệm chính trị và sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy cơ sở trước yêu cầu của Đảng về đổi mới tổ chức, phương thức, nội dung hoạt động và trước đòi hỏi của thực tiễn.
Mô hình này giảm được đầu mối bên trong, vì cơ quan MTTQ và các đoàn thể CT-XH đều có nhiệm vụ chính trị hướng đến mục tiêu chung: tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, nhà nước... Đội ngũ cán bộ, công chức có động lực để tiếp cận đa nhiệm, đa lĩnh vực, nâng cao kiến thức; buộc phải năng động, tích cực để thích nghi, đáp ứng yêu cầu mới của tổ chức bộ máy Cơ quan Khối, hướng tới mục tiêu chung lớn hơn thay vì trước đây chỉ thực hiện mục tiêu trong phạm vi hẹp của tổ chức mình.
Tuy nhiên, mô hình Cơ quan Khối còn thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn khoa học nên không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Cụ thể: Quá trình vận hành, tổ chức hoạt động còn lúng túng, có mặt thiếu đồng bộ trong phối hợp ngang cấp và với ngành dọc cấp trên; tình trạng "vác ghế ngồi chung, việc ai nấy làm" còn diễn ra; một bộ phận cán bộ, công chức còn sức ì theo cái cũ, chưa sẵn sàng hoặc chưa thể đón nhận, thích nghi với điều kiện, yêu cầu mới.
Vào mùa vụ, các lực lượng ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng thường ra quân giúp dân thu hoạch sản phẩm. Ảnh: ĐÌNH THI
Phù hợp cả lý luận và thực tiễn
Từ việc thí điểm mô hình Cơ quan Khối, bước đầu có thể rút ra một số điểm có tính tham khảo sau đây:
Thứ nhất: Tổ chức là một hệ thống tập hợp có ý thức nhằm thực hiện những mục tiêu chung. Ở đây, MTTQ và các đoàn thể CT-XH là những tổ chức có chung mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã được luật hóa hoặc hoạt động theo điều lệ hợp pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, việc thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung của khối là khoa học, phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.
Thứ hai: Luật pháp nước ta quy định những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh hay được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong các đoàn thể CT-XH ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đều là cán bộ, công chức. Người đứng đầu đoàn thể CT-XH cấp xã là cán bộ. Do đó, tổ chức và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CT-XH không nằm ngoài chương trình cải cách công vụ, công chức mà Đảng và nhà nước ta đang đẩy mạnh thực hiện.
Thứ ba: Để bảo đảm vận hành hiệu quả mô hình này, cần sớm nghiên cứu tổ chức đồng bộ, có hệ thống từ trung ương đến cơ sở, từ đó mới có thể tổng kết đánh giá khoa học, hoàn thiện mô hình. Trong trường hợp chưa thể tổ chức đồng bộ ở tất cả các cấp thì nên thí điểm có ban chỉ đạo ở cấp còn vận hành theo mô hình cũ, để tạo mối liên hệ hữu cơ với nơi đang áp dụng mô hình mới và xử lý những vướng mắc phát sinh.
Cuối cùng, do hoạt động theo chế độ thủ trưởng, các đoàn thể CT-XH hoạt động theo cơ chế bầu cử, nên khi thể chế hóa mô hình tổ chức và hoạt động Cơ quan Khối phải bảo đảm nguyên tắc bảo vệ các giá trị cốt lõi của nền dân chủ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; coi trọng tiêu chí năng lực, năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng điều kiện hướng đến một nền công vụ phát triển và chính phủ điện tử, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác tham mưu, giúp việc ở Cơ quan Khối.
Đổi mới tổ chức hoạt động MTTQ và các đoàn thể CT-XH theo mô hình Cơ quan Khối chính là để thống nhất ý chí và hành động, thực hiện mục tiêu tinh gọn, gắn với hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Chỉ ra nhiều hạn chế
Nghị quyết 18 đã đánh giá toàn diện tình hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta. Nghị quyết 18 nhấn mạnh tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CT-XH chậm đổi mới, một số nhiệm vụ trùng lắp, vẫn còn tình trạng "hành chính hoá", "công chức hoá"; cơ cấu, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở chưa hợp lý và còn hạn chế.
Nghị quyết 18 cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân hạn chế, bất cập, chủ yếu là do khâu thiết kế mô hình tổ chức bộ máy; nhận thức, ý thức về vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Bình luận (0)