Ngày 19-8-1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ vỏn vẹn 5.000 đảng viên nhưng nhiều đồng chí trong số đó vẫn đang bị thực dân Pháp giam giữ ở các nhà tù. Thành công nhanh chóng của cuộc cách mạng vĩ đại này được kết tinh từ khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Dù đã 76 năm trôi qua nhưng tinh thần đại đoàn kết của cuộc cách mạng vĩ đại này đang rất cần cho những ngày chống dịch Covid-19 cam go.
Sự góp mặt của mọi tầng lớp
Khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra từ căn cứ Việt Bắc vào ngày 16-8-1945 thì chỉ mấy ngày sau, chúng ta đã giành thắng lợi ở Hà Nội.
Thông qua chương trình “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch” do Báo Người Lao Động tổ chức, Quỹ Đạo Phật ngày nay hỗ trợ Bệnh viện Dã chiến số 3 (TP HCM) trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm.Ảnh: QUỐC THẮNG
Ngày 19-8-1945, việc giành chính quyền ở Hà Nội thành công thì chỉ một tuần sau - tức ngày 25-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Sài Gòn (TP HCM ngày nay). Dù ở Hà Nội, Sài Gòn hay tỉnh, thành nào khác thì trong cuộc cách mạng vĩ đại này đều có sự góp mặt của tất cả tầng lớp nhân dân.
Nhiều quan lại cao cấp của chính quyền phong kiến, thực dân, nhiều nhà tư sản nổi tiếng, nhiều trí thức tên tuổi đã đi theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương, của đất nước để cùng hòa mình trong dòng thác vĩ đại sục sôi này của dân tộc. Rất nhiều trí thức nổi tiếng là thành viên Chính phủ Trần Trọng Kim đã đi theo cách mạng hoặc có những đóng góp bằng cách này hay cách khác cho cách mạng, như các vị: Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phan Kế Toại…
Nhiều quan lại của Nam triều, tức chính quyền phong kiến của nhà vua Bảo Đại, cũng đi theo cách mạng, như các vị: Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Đặng Văn Hướng. Nhiều nhà tư sản nổi tiếng không những đi theo mà còn đóng góp phần lớn tài sản cho cách mạng, như gia đình ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh, đại điền chủ Nam Bộ Cao Triều Phát, giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, ông Huỳnh Thiện Lộc...
Cống hiến, hy sinh
Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, TP HCM đang diễn ra một cuộc chiến căng thẳng chống lại đại dịch Covid-19.
Những ngày này, đâu đâu cũng thấy sự cống hiến, hy sinh. Đặc biệt, đối mặt với những khó khăn thách thức chưa từng có vì đại dịch, tinh thần đoàn kết của người dân cả nước nói chung, người dân TP HCM nói riêng, lại được phát huy hơn bao giờ hết. Giữa những khó khăn chồng chất vì dịch bệnh, cỗ máy đoàn kết nhân ái của người dân thành phố đã vận hành vượt công suất và vẫn đang không ngừng nghỉ. Nhiều mô hình sáng tạo giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch xuất hiện ở khắp nơi, từ "Siêu thị 0 đồng" đến "ATM gạo" và nay là "ATM ôxy", "Tủ lạnh cộng đồng"…
Nếu như trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là những ngày khó khăn sau khi giành được độc lập, nhiều nhà tư sản lớn của dân tộc đã có những đóng góp tài chính lớn cho quốc gia vượt qua cơn hoạn nạn, thì hôm nay, tinh thần ấy lại đang được tiếp nối. Ngoài việc đóng góp nguồn tài chính lớn cho Quỹ Vắc-xin phòng chống dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm lớn với cộng đồng bằng việc tặng nhiều trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch.
Những ngày này, TP HCM không chỉ nhận được sự đồng lòng vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân mà còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ khắp mọi miền đất nước. Trên tuyến đầu chống dịch, hàng trăm ngàn y - bác sĩ, nhân viên y tế của
TP HCM và các địa phương chi viện cho thành phố đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ.
Sau những khó khăn ban đầu, tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và người dân, công việc chống dịch của TP HCM đã chuyển động ngày một nhuần nhuyễn hơn. Các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, nhu cầu hỗ trợ của người dân… đã được thiết lập tới tận các phường, xã; số điện thoại liên lạc được công bố đến mỗi hộ gia đình đã làm cho người dân cảm thấy không bơ vơ. Ứng xử nhân văn, đầy tình người trong dịch bệnh đã giúp người dân thành phố cảm thấy ấm lòng.
Then chốt của thành công
Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công của 76 năm trước là có sức mạnh vĩ đại từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết: "Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi", "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công". Đại đoàn kết dân tộc đã làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và hôm nay, chắc chắn sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19.
MẶC SANH (cựu chiến binh TP Đà Nẵng): Phải chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương
Qua hoạt động thực tiễn cho thấy có một số người, cả cán bộ đảng viên, không nghiêm túc trong các sinh hoạt tập thể như: Hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, họp thường kỳ của chi bộ, Đảng bộ hoặc họp chuyên đề tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở. Điều này mới nghe tưởng chừng vô hại nhưng rõ ràng rất ảnh hưởng đến chất lượng của sinh hoạt tập thể.
Các biểu hiện thường thấy nhất của việc không nghiêm túc này là:
- Chấp hành giờ giấc không nghiêm. Đi trễ về sớm là dễ thấy nhất. Trong giai đoạn dịch Covid-19 này, do phải họp trên mạng nhiều nên tình trạng tham gia họp trễ lại càng diễn ra. Đây là hành vi thiếu tôn trọng tập thể. Do đó, nếu chủ tọa cuộc họp không kiên quyết chấn chỉnh thì vô hình trung làm cho những người chấp hành nghiêm giờ họp phải chờ đợi, chưa kể trong đó có nhiều người tuổi cao sức yếu. Khá nhiều cuộc họp đang diễn ra nhưng không ít đại biểu đã âm thầm "cáo lui" vì đủ thứ lý do. Có người vẫn vào chat room họp nhưng tắt chế độ video để không ai thấy hình... Tóm lại, với chuyện đi trễ về sớm trong các cuộc họp, chúng ta cần có thái độ dứt khoát tẩy chay bằng việc nghiêm túc chấp hành tốt giờ giấc.
- Khi cuộc họp tiến hành nhưng có người mang báo ra đọc, trước thì một người xem rồi sau là chuyền tay nhau xem, tự nhiên hình thành "tổ đọc báo", mặc người chủ trì cuộc họp nhắc nhở cũng bằng không. Có người nói thẳng rằng những người này đi họp chỉ để điểm danh chứ họp hành nỗi gì! Rõ ràng, đó là hành vi thiếu tôn trọng sự kiện và người chủ trì, không thể chấp nhận.
- Trong khi diễn giả đang tập trung dồn hết tâm lực để truyền đạt nội dung thì trong hội trường thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện chỗ này chỗ khác có vài ba vị xúm lại nói chuyện riêng, say sưa bàn luận về một đề tài mà họ quan tâm, mặc cho rất nhiều người nhìn họ với thái độ khó chịu. Có người ví họp hành mà cứ như ở ngoài chợ, quả không sai.
- Tùy tiện sử dụng điện thoại di động, iPad, thậm chí cả laptop dù đã có quy định trong nội quy cuộc họp. Chủ tọa nhắc nhở nhưng không ít người phớt lờ, thậm chí cứ nói chuyện qua điện thoại oang oang như chỗ không người. Có người nói to át cả tiếng của người đang phát biểu tại cuộc họp.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ của các cơ quan hành chính, nhằm giảm bớt phiền hà, tạo thuận tiện cho người dân, trong đó có việc cải tiến, nâng cao chất lượng các cuộc họp để giảm bớt lãng phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tham gia họp hành nghiêm túc cũng là một biểu hiện của việc chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương.
Báo cáo Chính trị do Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua đã chỉ rõ: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế đô, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo...".
Cần liên hệ quan điểm chỉ đạo rất sâu sát của Đảng với những chuyện nêu trên để mỗi người chúng ta đều tự suy nghĩ.
MINH THỐ (cán bộ hưu trí TP Thủ Đức, TP HCM): Thống nhất cao trong ý chí và hành động
"Tôi biểu dương bà con đã hy sinh quyền lợi riêng để thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước trong phòng chống dịch. Lòng dân ủng hộ, chúng ta thành công; dân không ủng hộ, chúng ta không thành công". Đây là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến thăm và động viên y - bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại một số cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân F0, chốt kiểm dịch, mô hình cung ứng hàng hóa cho người dân ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội sáng 13-8.
Tôi rất tâm đắc với lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bởi lẽ, "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 đã cho thấy mức độ rất khốc liệt, nếu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong ý chí và hành động thì sẽ khó thành công. Người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước nên mới có những hành động "hy sinh quyền lợi riêng để thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước". Rất mong mỗi người dân trong lúc này hãy tiếp tục tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, của ngành y tế để cả nước sớm đạt các mục tiêu trong phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)