Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân trên group Zalo về việc một căn nhà đang xây dựng ở khu phố 1, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM để vật liệu xây dựng chiếm hết đường đi, lãnh đạo phường đã chỉ đạo cảnh sát khu vực và cán bộ địa chính khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư chấp hành đầy đủ các quy định liên quan.
Lắng nghe, quyết liệt xử lý
Đây là một trong rất nhiều phản ánh của người dân được cơ quan chức năng phường Bình Thọ xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Để thực hiện Chỉ thị 23 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo phường Bình Thọ đã lập nhóm Zalo quản lý trật tự xây dựng. Nhóm có 40 thành viên, gồm lãnh đạo phường, công an, phường đội, khu phố, tổ dân phố, cảnh sát khu vực... Mỗi thành viên được xem là một "camera giám sát" trên lĩnh vực xây dựng, là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng.
UBND phường Bình Thọ, TP Thủ Đức tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến người dân. Ảnh: MINH THIỆN
Trong năm 2022, có 87 thông tin phản ánh qua group Zalo quản lý trật tự xây dựng của phường Bình Thọ. "Tất cả thông tin phản ánh đều được xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ" - ông Liên Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thọ, cho biết.
Không chỉ tiếp nhận thông tin qua group Zalo, phường Bình Thọ còn tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức hội nghị tiếp xúc nhân dân định kỳ hằng tháng...
Theo ông Thiện, để việc đối thoại, tiếp xúc nhân dân thành công, hiệu quả thì cần sự lắng nghe của người chủ trì và sau đó phải quyết liệt chỉ đạo giải quyết các phản ánh; tránh trường hợp hứa, ghi nhận nhiều lần nhưng chậm xử lý. Các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp thuộc thẩm quyền của địa phương thì giải quyết ngay. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên thì địa phương có văn bản báo cáo, đề xuất.
Ông Thiện cho rằng khi kết luận hội nghị, người chủ trì cần thông tin, giải thích rõ kiến nghị, đề xuất nào địa phương không giải quyết được; tránh để người dân có tâm lý chờ đợi. Việc nào giải quyết được, việc nào cần có thêm thời gian... cũng phải nêu rõ chứ không nên hứa cho qua chuyện.
"Khi những phản ánh, đề xuất được quan tâm giải quyết, lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương được nâng lên, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực sẽ hiệu quả hơn" - ông Thiện nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân do Thành ủy TP HCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, qua các kỳ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND thành phố, Thường trực HĐND TP HCM tập trung xem xét, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị ấy được phân loại theo lĩnh vực, địa phương, sở - ngành. Sau đó, HĐND TP HCM có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở - ngành, địa phương xem xét giải quyết cho nhân dân.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ của các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia… đối với các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Theo bà Hương, cần nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân đối với tổ chức Đảng, đảng viên, hoạt động của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đề xuất tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện quy chế tiếp xúc, lấy ý kiến nhân dân và giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giao tiếp với nhân dân.
Bà Hằng cho rằng người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải là người trực tiếp và thường xuyên chỉ đạo thực hiện, không được xem nhẹ, buông lỏng; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp thu ý kiến của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế lấy ý kiến nhân dân.
Trong khi đó, UBND phường 14, quận 10 cho rằng nên chuẩn bị kỹ các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân và theo chủ đề mà người dân địa phương quan tâm. Các phản ánh, kiến nghị của nhân dân cần được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đeo bám, kiểm tra, giám sát, đi cơ sở để lắng nghe nhiều chiều nhằm xử lý hiệu quả.
Tiếp nhận 212.820 vụ việc
Trong 5 năm qua, TP HCM đã triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân thông qua công tác tiếp công dân, qua cổng dịch vụ công quốc gia, tổng đài 1022, thư điện tử… Thành phố đã tiếp hơn 220.490 lượt công dân/ tiếp nhận 212.820 vụ việc. TP HCM cũng đã tiếp 1.405 đoàn đông người, chủ yếu liên quan các dự án đã và đang triển khai như: dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao, dự án Đầu tư xây dựng Thảo Cầm Viên ở huyện Củ Chi…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã tổ chức tiếp hơn 10.624 lượt người với hơn 13.742 khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp 106 đoàn (hơn 3.187 người) với các công việc khác.
Bình luận (0)