Sáng 25-9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cùng đại diện nhiều sở, ban ngành đã đối thoại trực tiếp với người dân xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) xung quanh vụ nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ bị người dân ngăn chặn hoạt động trong hơn 1 năm qua.
Người dân sẽ giám sát
Đây là buổi đối thoại nhằm tìm phương án giải quyết cuối cùng, sau rất nhiều lần đối thoại nhưng không thành.
Mở đầu buổi đối thoại, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi người dân có việc phản đối, tỉnh đã lập đoàn thanh tra và chỉ ra những sai phạm như khoảng cách từ nhà máy đến các hộ dân gần nhất không bảo đảm; chưa lấy ý kiến người dân... Tỉnh cũng cho biết đã kỷ luật những cán bộ liên quan và thông báo đến người dân. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân vẫn ngăn chặn quá trình hoạt động của nhà máy, gây tồn đọng rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều người.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhận trách nhiệm vì để xảy ra những sai sót đã nêu, đồng thời thay mặt chính quyền xin lỗi người dân cũng như việc tỉnh chưa kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân.
"Do nôn nóng, một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự chu đáo, nhất là chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nên đã xảy ra sai sót" - ông Chữ nói và đề nghị nếu được đa số người dân đồng thuận, tỉnh sẽ cho nhà máy hoạt động trở lại đến năm 2022 để xử lý rác thải đang tồn đọng. Quá trình xử lý sẽ được người dân giám sát 24/24 giờ và phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Khi xử lý xong sẽ tính đến phương án di dời nhà máy.
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, khẳng định một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao chưa thật sự chu đáo
Hãy vì lợi ích cộng đồng
Tại buổi đối thoại, một số người dân yêu cầu di dời nhà máy vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Một số đồng ý để nhà máy tiếp tục hoạt động.
Ông Lý Thành Công, một người dân sống cạnh nhà máy, cho rằng phương án cho nhà máy hoạt động trở lại là phương án tối ưu. "Chính quyền đã chỉ ra những cái sai, kỷ luật nhiều cán bộ, người dân cũng phải nhìn nhận lại sự việc. Nếu không cho nhà máy hoạt động, thử hỏi 22.500 tấn rác giờ xử lý ra sao? Chưa kể, trong hơn 1 năm, bà con mình ngăn chặn nhà máy hoạt động, rác tồn đọng khắp nơi, chỗ nào cũng rác. Chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực, vì lợi ích chung của cộng đồng. Do đó, cho nhà máy hoạt động là hợp lý, hợp tình nhất" - ông Công nói.
Sau khi nghe nhiều ý kiến, ông Lê Viết Chữ kết luận thống nhất phương án cho nhà máy hoạt động trở lại. "Tỉnh sẽ chỉ đạo khẩn trương quy hoạch, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt phía Nam của tỉnh; yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, hệ thống xử lý nước thải, hố xỉ tro và hệ thống cây xanh bảo đảm đúng, đầy đủ theo quy định" - ông Chữ nói.
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ liên tục bị người dân ngăn chặn hoạt động vì cho rằng gây ô nhiễm, khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư không bảo đảm. Đỉnh điểm là tối 2-9-2018, hàng chục người kéo đến trụ sở UBND xã Phổ Thạnh, chặn Quốc lộ 1 trong nhiều giờ. Nhiều người quá khích còn ném đá, tấn công lực lượng chức năng làm một số cảnh sát bị thương.
Quảng Nam: Dân dừng cản xe chở rác
Sáng 25-9, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã huy động các phương tiện chở vật liệu vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để khắc phục sự cố môi trường ở đây. Tuy nhiên, người dân địa phương tiếp tục phản ứng, chặn đường không cho phương tiện vào. Đến khoảng 10 giờ, sau khi được lãnh đạo huyện Núi Thành và Công ty Môi trường Đô thị vận động, người dân mới chịu cho các phương tiện vào.
Ông Chung Thành Đông, Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị, cho biết trước đó do thời tiết thay đổi trong khi đơn vị chưa kịp thời thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi tại bãi rác Tam Xuân 2, ảnh hưởng đến người dân nên họ không cho các phương tiện vào đổ rác cũng như không cho đơn vị vào khắc phục mùi hôi. Công ty và chính quyền liên tục tổ chức đối thoại, cam kết khắc phục mùi hôi nhưng người dân không đồng thuận. Ông Đông cho biết việc xử lý mùi hôi ở bãi rác Tam Xuân 2 sẽ mất khoảng 3-4 ngày. Sau khi xử lý, người dân sẽ trực tiếp giám sát và nếu mùi hôi được xử lý thì sẽ không ngăn cản các phương tiện vào bãi rác. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng có công văn yêu cầu các địa phương phải vào cuộc để xử lý, thu gom rác thải.
Tr.Thường
Bình luận (0)