Thư viện hiện có trên 1.000 bản sách các loại, bố trí ngăn nắp trong căn phòng khoảng 40 m2 cải tạo từ kho lúa của gia đình. Dù diện tích thư viện còn khiêm tốn, chưa có đủ bàn ghế nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Độc giả chủ yếu là học sinh trong thôn đến đọc sách, tô tranh màu, tham gia các trò chơi dân gian trên khoảnh sân nhà.
Nói về lý do lập thư viện, Phú kể trước đây kinh tế gia đình em thuộc diện khó khăn nhất thôn. Ba mẹ làm thuê nuôi 5 người con. Năm học 2012-2013, trúng tuyển vào lớp 10 nhưng sau 2 tháng học, Phú phải nghỉ để vào TP HCM làm công nhân may cho một cơ sở tư nhân, sau một năm tích lũy vốn mới về học lại. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Phú quyết vươn lên trong học tập, sau đó trúng tuyển cùng lúc vào Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Vạn Đại Phú với các độc giả “nhí” trong thư viện gia đình của mình
Phú kể quá trình vượt khó vươn lên của mình là nhờ bên cạnh cha mẹ, thầy cô thì còn có kiến thức học từ sách. Vốn đam mê đọc sách, từ nhỏ, Phú đọc ngấu nghiến bất cứ sách gì có được. Sống ở nơi xa thành thị, không có điều kiện đi học thêm nên sách trở thành người bạn tri kỷ cung cấp cho Phú nhiều kiến thức.
Phú cho biết em vừa học xong năm thứ 3 chuyên ngành may của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Hiện em vừa học vừa làm thêm, kết hợp nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên nên tự nguyện nhường suất học bổng của mình cho bạn khác. Và để tri ân nơi sinh thành, em vận động các mạnh thường quân giúp đỡ nguồn sách và hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để xây dựng thư viện tại gia đình, nhằm phục vụ miễn phí cho học sinh và bà con thôn xóm, góp phần xây dựng văn hóa đọc cho địa phương.
Thầy giáo Lê Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ninh Phước, nơi Phú đã học), cho biết Phú là học sinh có tinh thần vượt khó, không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động. Đặc biệt, em rất đam mê tìm tòi những cái hay, cái đẹp, làm giàu kiến thức từ sách vở. Dù còn học tập tại TP HCM nhưng em cố gắng thành lập được thư viện gia đình nhằm phục vụ cộng đồng. Việc làm này rất ý nghĩa, thể hiện truyền thống hiếu học của đồng bào Chăm ở địa phương.
Tuy hoạt động chưa lâu nhưng thư viện của sinh viên Vạn Đại Phú đang trở thành điểm đến của nhiều học sinh và người dân địa phương.
Bình luận (0)