Sáng lập và điều hành Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển - Change (Changevn.org), Hoàng Thị Minh Hồng vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Mang "Giờ Trái đất" về Việt Nam
Năm 1997, khi mới 24 tuổi, Minh Hồng là người Việt Nam đầu tiên trong đoàn thám hiểm 35 người từ 25 quốc gia đặt chân tới Nam Cực. Lúc đó, chị không nghĩ đến bảo vệ môi trường mà chỉ khao khát khám phá một vùng đất ít người được đặt chân đến. Hình ảnh người con gái Việt Nam trong tà áo dài đỏ truyền thống, cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mặt băng Nam Cực đã được truyền đi khắp thế giới.
Chuyến đi ấy đã thật sự thay đổi nhận thức, suy nghĩ của Hoàng Thị Minh Hồng về môi trường. Trở về nước, chị quyết định nghỉ việc, dành hết tâm trí cho công việc tuyên truyền thông điệp trái đất đang nóng lên, băng bắt đầu tan… cho càng nhiều người biết càng tốt. Nhưng thời điểm đó, chị gặp khó khăn do internet chưa phổ biến, rất ít người Việt Nam quan tâm tới môi trường. Phải đến năm 2002, khi Minh Hồng làm việc cho Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) khu vực Mê Kông, chị mới thật sự được học kỹ và làm việc thực tế về các chương trình môi trường. Cũng năm đó, Minh Hồng vinh dự được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường và phát triển bền vững tại Nam Phi. Hành trang chị mang tới hội nghị quan trọng này là 10.000 chữ ký của người dân Việt Nam gửi tới lãnh đạo thế giới, khuyến nghị phải hành động ngay để bảo vệ bầu khí quyển.
Năm 2009, Minh Hồng chính là người đề xuất lãnh đạo WWF khu vực Mê Kông đưa chương trình Giờ Trái đất (WWF phát động ở Úc năm 2007) về tổ chức tại Việt Nam. Chương trình thu hút sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, hàng chục doanh nghiệp và rất thành công. Giờ Trái đất đã trở thành một trong những sự kiện môi trường thường niên nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân cả nước.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng đang nỗ lực vận động người dân và các tổ chức sử dụng năng lượng tái tạo. Ảnh: NGUYỄN TRẦN TÙNG
Tháng 11-2009, Hoàng Thị Minh Hồng lần thứ hai trở lại Nam Cực với tâm thế là một nhà hoạt động môi trường. Sau 12 năm, nhiệt độ tại Nam Cực đã tăng lên 2-3 độ C. Nhìn những tảng băng trôi, Minh Hồng nhận ra các dự án về biến đổi khí hậu của mình không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải hành động, tìm giải pháp. Khi về Việt Nam, chị đã xây dựng kế hoạch hành động, thành lập một tổ chức phi chính phủ về môi trường của riêng mình để có thể triển khai các ý tưởng, dự án.
Hàng ngàn tình nguyện viên đã tham gia thực hiện hàng loạt dự án hành động vì môi trường của chị. Nhưng vì không có giấy phép, việc xin tài trợ cho các hoạt động rất khó khăn, chị phải tự bỏ tiền túi để trang trải. Đến năm 2013, Change mới có giấy phép, chính thức trở thành một tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường tại Việt Nam.
Change (tiếng Anh) có nghĩa là thay đổi. Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chị Hồng nhận ra các vấn đề môi trường của Việt Nam có thể được giải quyết nếu mỗi cá nhân thay đổi từ nhận thức, hành vi, thói quen, đến thấu hiểu bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của chính họ. "Chỉ khi dám thay đổi, mỗi cá nhân sẽ có đủ cảm hứng và năng lực để cùng tạo ra những thay đổi lớn hơn, lâu dài hơn, thậm chí gây được ảnh hưởng lên quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ" - chị Hồng chia sẻ.
Sáu năm hoạt động, Change đã triển khai hàng loạt chương trình hành động, chiến dịch kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, giảm phát thải rác thải nhựa, giảm sử dụng năng lượng than đá… Chiến dịch "Bảo vệ tê giác" có thể coi là minh chứng về tính hiệu quả các hoạt động truyền thông của Change với 53,2 triệu lượt người tiếp nhận thông tin. Với sự góp sức của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân thành đạt, các bác sĩ ung bướu hàng đầu Việt Nam, Change đã truyền thông điệp khẳng định sừng tê giác không phải là thần dược, không chữa được bệnh ung thư. Việc này đã giúp tình trạng mua sừng tê giác giảm đáng kể.
Dự án sôi động nhất gần đây của Change là chiến dịch "iChange - Tôi thay đổi". "iChange" kêu gọi mỗi cá nhân tự thay đổi thói quen không thân thiện với môi trường như dùng quá nhiều đồ nhựa dùng một lần hay lãng phí đồ ăn, điện, nước. Chương trình hướng tới tương lai về một "Việt Nam xanh sạch được bảo vệ bởi tất cả người dân". Chị đã xây dựng một cộng đồng iChange gồm hàng trăm thành viên trên Facebook với cam kết thay đổi và hành động cho một Việt Nam xanh - sạch - đẹp.
Người hùng khí hậu
Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 tổ chức tại Paris - Pháp, Hoàng Thị Minh Hồng đã được vinh danh là "Anh hùng khí hậu Việt Nam" như một ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi cho thế giới của chị.
Tháng 9-2018, Hoàng Thị Minh Hồng vinh dự trở thành 1 trong 12 người xuất sắc nhất từ 12 quốc gia được chọn tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama khóa đầu tiên ở Trường Đại học Columbia (Mỹ) kéo dài 9 tháng. Đây là các nhà lãnh đạo dân sự nổi bật đã có nhiều đóng góp cho các vấn đề xã hội ở các quốc gia, trong đó, duy nhất chỉ có Minh Hồng hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
"Cô Hồng Việt Nam" cho hay chị rất bất ngờ khi cựu Tổng thống Mỹ Obama đã gọi chị như thế trong buổi gặp đầu tiên. Điều đó chứng tỏ ông Obama rất quan tâm đến các vấn đề môi trường mà Change đã triển khai tại Việt Nam. Chị cũng rất tích cực tham gia hàng loạt diễn đàn, làm diễn giả ở nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế để chia sẻ tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời tích lũy kinh nghiệm quý báu cũng như kết nối các nguồn lực mang về Việt Nam.
Thúc đẩy dùng năng lượng tái tạo
"Chạm tay đến mặt trời" là dự án tham vọng sắp tới của Change để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo qua vận động các hộ dân và doanh nghiệp lắp tấm pin năng lượng mặt trời. Change làm việc với các doanh nghiệp về năng lượng mặt trời và vận động ngân hàng ưu tiên đầu tư cho năng lượng mặt trời, trợ giá để giúp người dân có thể tiếp cận dễ dàng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-3
Bình luận (0)