Tại kỳ họp này, một trong 6 dự án luật được trình QH cho ý kiến lần đầu là dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trong gần 25 năm qua, kể từ khi có Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/1998/NQ-UBTVQH10 và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ QH về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn..., đến nay, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một bước tiến dài trong quá trình chuyển hóa các giá trị cốt lõi của nền dân chủ vào đời sống ở nước ta.
"Dân chủ" là một phạm trù chính trị, có ý nghĩa rộng, có giá trị nền tảng của cả chính thể quốc gia, được hiểu khái quát là chế độ dân chủ, một hình thức chính trị - nhà nước, trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia việc ra quyết định bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong QH và HĐND...
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 31-5. Ảnh: TTXVN
Các nền dân chủ dựa trên nguyên tắc: Nhà nước tồn tại để phục vụ nhân dân. C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng dân chủ là hình thái biểu hiện của quyền lực nhà nước mà nhân dân phải tổ chức và kiểm soát được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ", "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ", "Dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ".
Trải qua hơn 75 năm kể từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, lịch sử lập hiến của nước ta đều khẳng định nhất quán nước Việt Nam theo chính thể dân chủ cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Như vậy, nền dân chủ cộng hòa ở nước ta với các giá trị dân chủ, các quyền tự do dân chủ đã được Hiến định. Cho nên, không thể ban hành "Luật dân chủ" hay "Quy chế dân chủ" mà chỉ ban hành luật để thể chế hóa, quy định cụ thể việc thực hiện, thực thi, thực hành dân chủ mà thôi.
Như vậy, tên gọi "Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở" của dự án này là rất chuẩn xác.
Rất nhiều cử tri đã bày tỏ kỳ vọng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần phát huy và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; là biểu hiện sinh động của quyết tâm luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Bình luận (0)