Từ đó, đánh giá đúng tình hình, xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình trung ương xem xét, quyết định phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đại biểu bày tỏ thống nhất với các nội dung trình bày tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) .ẢNH: TTXVN
Về lĩnh vực đất đai, Tổng Bí thư khẳng định: Đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Đồng thời, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...
Đó là những câu hỏi lớn cần làm rõ nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy hiệu quả loại tài sản đặc biệt, tài nguyên vô cùng quý giá và là nguồn lực to lớn này của đất nước.
Trong hơn 1 thập kỷ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với những thành tựu to lớn, toàn diện đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Đảng ta đề ra, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Phấn khởi, tự hào với kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tìm mọi cách khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, còn tồn tại và nguyên nhân vì sao nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất - kinh doanh... Công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế chế biến nông sản phát triển còn chậm; thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn, cùng nhiều vấn đề xã hội phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân bày tỏ kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng tại hội nghị lần này xung quanh 2 đề án: Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Tổ chức cơ sở Đảng mạnh và đảng viên tốt, gương mẫu, liêm khiết, bản lĩnh thì năng lực và sức chiến đấu của Đảng được nâng lên; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng và ngoài xã hội sẽ càng hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tế năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư từng kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 rằng: Phòng chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", là nhiệm vụ quan trọng phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực... Vì vậy, đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, thể hiện "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!", là trách nhiệm của toàn Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng.
Bình luận (0)