Cách đây tròn 70 năm, trong bối cảnh nhân dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-8-1951, Bác Hồ đã viết "Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc", đăng trên Báo Nhân Dân số 22, xuất bản ngày 23-8-1951.
7 điểm chính
"Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc" với lời lẽ ân cần, ngắn gọn, dễ hiểu, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra cho thanh niên những bài học vô giá về mục đích, phương pháp, kỹ năng làm việc mà theo Người thì "công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua".
Thành ủy TP HCM tuyên dương các đơn vị, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019-2020 .Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Điểm đầu tiên là "thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững". Người dạy thanh niên làm việc phải có mục đích, có lý tưởng sống và tinh thần yêu nước, cống hiến vì sự phồn vinh của đất nước. "Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước".
Người dành điểm 2 và 3 để nhấn mạnh "phải có kế hoạch tỉ mỉ"... "Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực". Theo Người, phương pháp và kỹ năng làm việc có kế hoạch là phương pháp khoa học, hiệu quả. "Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm". "Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất, "đại khái", quá cao, phiền phức, miễn cưỡng". Người thường phê bình những ai không coi trọng phương pháp, nội dung lập kế hoạch; luộm thuộm, gặp việc nào làm việc ấy; vạch ra chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Điểm 4, Người căn dặn: "Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: Tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập". Thi đua đồng thời phải giải quyết tốt yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn hằng ngày, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, cũng như nắm được tình hình trong và ngoài nước. Chỉ thiên về một phía, ít nghiên cứu lý luận và thực tiễn thì khi gặp thuận lợi dễ lạc quan, gặp thành công sớm dễ sinh bệnh kiêu ngạo. Ngược lại, khi gặp khó khăn thì dễ lúng túng dẫn đến bi quan, dao động, lập trường cách mạng không vững.
Điểm 5 là "thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Trong quá trình tổ chức thi đua, phải coi trọng cả 3 thời điểm trước, trong và sau mỗi đợt thi đua. Phong cách lãnh đạo phải dân chủ nhưng quyết đoán, sâu sát quần chúng, dựa vào quần chúng, khơi dậy được lòng nhiệt huyết và tinh thần hăng say làm việc của mọi người. Người viết: "Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi".
Điểm 6, Người chỉ rõ: "Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua". Theo Người, thi đua không phải là ganh đua. Thi đua là người trước hiểu biết dẫn dắt người đi sau, cùng nhau phát triển tài năng, sáng kiến của mình; học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ.
Điểm 7 là sự đúc kết, khẳng định lại luận điểm công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua, tức thi đua không có giới hạn mà phải liên tục. Người viết: "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào...". Thi đua không phải là nhất thời mà phải trường kỳ, sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi; hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. "Những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua".
Giá trị thực tiễn sâu sắc
Cho đến nay, những lời dạy của Bác Hồ trong "Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc" vẫn nguyên vẹn ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc; như cẩm nang phương pháp, kỹ năng làm việc hiệu quả, không chỉ dành cho thanh niên mà còn cho tất cả các lực lượng lao động xã hội.
Thực tiễn cho thấy nhiều bài giảng trong các lớp dạy cho cán bộ, công chức, thanh niên về phương pháp và kỹ năng làm việc cũng không nằm ngoài mấy điểm chính mà Bác Hồ đã truyền dạy cho thanh niên cách đây 70 năm. Chẳng hạn như bài lập kế hoạch thông minh SMART hay SMARTER (Specific: Cụ thể, rõ ràng; Measurable: Có thể đánh giá được, đo lường được; Achievable: Có thể thực hiện được, đạt được; Realistic: Thực tế, phù hợp; Time bound: Có thời hạn rõ ràng; Evaluated: Đánh giá; Reported: Báo cáo).
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, phát triển hiện nay, những lời Bác Hồ dạy thanh niên năm xưa càng có giá trị hơn, là động lực để thanh niên dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người chỉ dạy rất ân cần
Bằng những tình cảm yêu thương và sự quan tâm sâu sắc dành cho thanh niên, Bác Hồ viết trong "Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc": "Từ hôm 19-5 đến nay, Bác liên tiếp nhận được thư của các cháu. Những thư ấy, hoặc là của từng nhóm như bộ đội, nhà máy, trường học, cơ quan... hoặc là riêng của từng cháu...".
Trong thư, Người khen thanh niên thi đua khá, nêu ví dụ những gương cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc, những thành tích chung của tập thể... Đồng thời, Người nghiêm khắc nhắc nhở thanh niên vẫn còn nhiều khuyết điểm trong thi đua rồi chỉ dạy rất ân cần: "Để sửa chữa những khuyết điểm ấy, để tranh lấy thành tích to lớn, Bác giúp các cháu vài ý kiến".
Thực hành tiết kiệm: Không khó!
Ai cũng có thể thực hành tiết kiệm ít hoặc nhiều tùy vào khả năng và điều kiện thực tế của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương (sau đây gọi chung là đơn vị) mà không yêu cầu phải công phu lớn lao gì, cũng không phải suy nghĩ đắn đo ước trước lường sau gì ghê gớm, cũng chẳng thủ tục rườm rà nhiêu khê gì.
Anh công nhân xây dựng tiết kiệm từng cây đinh, đoạn thép; bác nông dân chắt chiu từng ký thóc, củ khoai; thầy giáo tiết kiệm từng trang giấy, viên phấn; bộ đội tiết kiệm từng miếng giẻ, giọt dầu lau súng; cán bộ, công chức tiết kiệm, dè xẻn từng đồng lương để phòng khi trái gió trở trời đặng lo cha đau, mẹ ốm, con cái học hành... Đó là điều ai cũng thấy rất rõ lợi ích của hành động cần lan tỏa này.
Tôi có anh bạn làm chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện. Anh có thói quen nuôi heo đất, hễ đi họp được nhận chế độ phong bì là thế nào cũng về "cho heo ăn". Hầu như các khoản thu nhập ngoài lương anh đều dành cho heo đất. Đến cuối năm, mổ heo, anh cũng thu được một khoản tiền kha khá để mua sắm đồ Tết cho con, gánh bớt phần nào sự lo toan của vợ mỗi khi Xuân về.
Nhưng trên thực tế, giữa nói và làm với nhiều người vẫn còn một khoảng cách khá xa, đáng suy ngẫm. Có đơn vị mời chuyên gia về giảng nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà thết đãi chi phí ngang hàng tấn thóc, người không xót ruột mới lạ! Rồi có người đi tuyên truyền về thực hành tiết kiệm nhưng bản thân chỉ tiết kiệm... trên giấy.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào cuộc sống từ lâu và được chỉnh sửa nhiều lần để phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người, có cả cán bộ đảng viên, chưa tiên phong, gương mẫu thực hiện, chưa đủ sức lan tỏa rộng rãi, chưa kích hoạt mạnh mẽ vào phong trào tiết kiệm ở từng đơn vị cụ thể và toàn cộng đồng.
Phải tạo ra sức lôi cuốn mọi người vào phong trào tiết kiệm từ trong các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp kinh tế ra ngoài cộng đồng dân cư. Cùng với đó, phải tẩy chay quan niệm sống ích kỷ "cha chung không ai khóc"; xóa bằng được sự "kỳ thị" với phong cách làm việc khoa học, chỉn chu, cần mẫn, tiết kiệm từng "cây kim, sợi chỉ"; gây được phong trào tranh thủ làm việc từng phút, từng giờ để tạo ra nhiều sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị và cộng đồng.
Tiết kiệm để phòng khi bão lũ thiên tai; tiết kiệm để phòng khi dịch bệnh (như đại dịch Covid-19 hiện nay). Nhãn tiền về yêu cầu và lợi ích của việc tiết kiệm là rất rõ chứ không ở đâu xa. Cả nước đang dồn hết tâm và lực chống dịch, với tinh thần yêu nước thương nòi, không ai có thể vô tâm đứng ngoài cuộc. Vậy thì hãy bằng thực tiễn chứ đừng nói suông về chuyện thực hành tiết kiệm.
Mai Lịch (cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)