Nghị quyết đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, trong đó có giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Với nhóm giải pháp này, nghị quyết khẳng định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Ðảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của nhà nước. Tăng cường lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Đặc biệt, nghị quyết đề cao và phát huy vai trò của MTTQ, nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đó là tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế "Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đều vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các quy định cụ thể để tăng cường và bảo đảm Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Vì vậy, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, cần chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội, từ đó giúp nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Bình luận (0)