Những năm 1970 - 1980, chúng ta vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh vừa phải gồng mình bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu đất nước. Nhiều lớp thanh niên đã tiếp bước cha anh để làm nhiệm vụ thiêng liêng không hề tính toán, suy nghĩ thiệt hơn.
Ở đâu cũng là nhiệm vụ
Năm 1979, hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng động viên của Chủ tịch nước, lớp trẻ như chúng tôi đã hăng hái rời ghế nhà trường lên đường bảo vệ Tổ quốc hoặc sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn.
Xác định ở đâu cũng là nhiệm vụ, Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải (tỉnh Thuận Hải cũ, nay là Ninh Thuận và Bình Thuận) với hơn 400 cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ lên đường sang Campuchia và 10 năm sau thì hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất mẹ với những chiến công được Đảng, nhà nước ghi nhận. Nhiều đồng chí, đồng đội mãi mãi không về hoặc về nhưng với những vết thương trên người.
Tôi vinh dự được tham gia Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải. Khí thế lên đường ngày ấy vẫn còn lưu giữ mãi trong mỗi người chúng tôi để trở thành niềm tin và sự phấn đấu vươn lên, làm tốt những gì mà các đồng đội đã nằm lại đâu đó trên đất bạn chưa kịp làm. Nhiều người trở về đã phấn đấu tốt, trở thành những cán bộ nòng cốt của các cơ quan, ban ngành, Đảng, đoàn thể của các địa phương trong nhiều năm qua.
Trở về địa phương, qua nhiều đơn vị với gần 40 năm tuổi Đảng, 32 năm làm công tác Đảng, nhiều nhiệm kỳ được phân công phụ trách công tác thanh niên, tôi luôn nghĩ rằng thế hệ trẻ hôm nay vẫn còn đó hào khí ngày nào khi tiếp tục dấn thân tình nguyện trên mọi nẻo đường, trên nhiều mặt trận để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp nhiều thành tích cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong quá trình ấy, cũng không thiếu những gương hy sinh quên mình, mặc dù đất nước không còn chiến tranh. Đảng, nhà nước ta luôn coi trọng vai trò xung kích, đội hậu bị và là cánh tay đắc lực của Đảng - một biểu tượng tự hào của thế hệ trẻ trên lá cờ Đoàn trong suốt 90 năm qua.
Nhưng ngẫm suy lại và mạnh dạn để nói rằng vẫn thấy đâu đó những bất cập trong phong trào Đoàn và công tác thanh niên. Vẫn còn một số nơi không được quan tâm thành lập tổ chức cơ sở Đoàn hoặc có thành lập nhưng chỉ là hình thức, nhất là trong các doanh nghiệp.
Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy qua việc hàng trăm ngàn doanh nghiệp được thành lập mỗi năm, thu hút hàng vạn lao động trẻ tham gia chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng số lượng cơ sở Đảng, Đoàn được thành lập và hoạt động thực sự có hiệu quả ở khối này là không nhiều.
Như thế, phải chăng thế hệ trẻ đang thiếu môi trường để thử thách, rèn luyện và trưởng thành?
Thanh niên tỉnh Ninh Thuận trong ngày lên đường nhập ngũ năm 2021Ảnh: Như Thừa
Ba vấn đề bất cập
Một suy nghĩ khác nữa, cá nhân tôi thấy đối với các doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Đoàn cơ sở thì cũng không có nhiều nơi quan tâm tạo điều kiện, môi trường tốt cho thanh niên hoạt động, phát huy ưu thế của mình.
Ví dụ, nếu có hội họp, sinh hoạt thì doanh nghiệp cũng chỉ bố trí "ngoài giờ" hoặc chờ "hết ca sản xuất". Họ chỉ có yêu cầu gần như duy nhất chính là khi đã đến thì phải làm ra thật nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chưa phát huy hết "sức trẻ" - một lợi thế chỉ riêng có của lực lượng thanh niên.
Về cơ chế, thấy rõ rằng: Thứ nhất, nhà nước cho phép doanh nghiệp hằng năm chuyển kinh phí cho tổ chức Đảng, Công đoàn hoạt động nhưng với chi đoàn thanh niên thì không quy định nguồn. Vì thế, khi cần hoạt động thì tổ chức Đoàn (nếu đã được thành lập) phải "xin chủ doanh nghiệp". Rõ ràng là về mặt cơ chế thì chúng ta chưa quan tâm đúng mực. Trong cơ chế thị trường thì mọi hoạt động, dù là phong trào xung kích đi nữa, ít hay nhiều cũng đều cần có kinh phí.
Thứ hai, hoạt động của Đảng là có quy định rõ ràng trong Hiến pháp; Công đoàn có Luật Công đoàn và Bộ Luật Lao động nhưng Đoàn Thanh niên thì chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để bắt buộc phải tổ chức và hoạt động trong doanh nghiệp.
Thứ ba, vì không bắt buộc phải có nên khi đánh giá về doanh nghiệp thì chẳng ai quan tâm đánh giá rằng có tổ chức Đoàn Thanh niên hay không; hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên hiện nay ở đó như thế nào?
Bản thân tôi rất mong muốn trong thời gian tới cần tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa và ý thức công dân cho thanh niên. Tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho thanh niên học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Xây dựng cơ quan văn hóa, tạo môi trường lành mạnh, điều kiện thuận lợi để thanh niên rèn luyện nâng cao thể chất và đời sống văn hóa, tinh thần...
Trẻ hóa đội ngũ lao động
Xây dựng kế hoạch phát triển và phát huy tài năng trong lực lượng thanh niên chính là trẻ hóa đội ngũ lao động - một nhu cầu cần thiết để thực hiện sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn thế thì phải đẩy mạnh đổi mới công tác tổ chức nhân sự, mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ vào các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh; phát huy tinh thần trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong học tập, công tác, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, từ đó để có nhân tố mới chuẩn bị nguồn cho việc kết nạp đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không nên lạm dụng việc phê bình
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "... Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cùng nhau tiến bộ... Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa".
Như vậy, "tự phê bình" và "phê bình" là những việc rất bình thường, mục đích là để nhận ra những khiếm khuyết, chỉ ra những yếu kém để bản thân tự sửa đổi, đồng thời giúp đồng chí của mình cùng tiến bộ. Một tập thể mà có càng nhiều cá nhân tiến bộ thì tập thể ấy sẽ ngày càng mạnh.
Song, trong thực tiễn lại còn có chuyện lạm dụng việc tự phê bình và phê bình, đặc biệt là trong việc phê bình. Điều này rất ảnh hưởng đến sự đoàn kết và lớn mạnh của một tập thể. Có nhiều lý do khác nhau để dẫn đến tình trạng lạm dụng này, trong đó có cả dùng phê bình để "triệt hạ" người khác thông qua việc nâng những điều đơn giản, dễ hiểu thành quan điểm chính trị. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho sự việc dễ dàng trở nên phức tạp, việc "bé xé ra to". Thậm chí, có nơi người ta dựa vào đó để cấu kết nhau, chia bè phái, hình thành lợi ích nhóm..., làm cho nhiều vụ việc lẽ ra chỉ dừng ở mức góp ý, nhắc nhở nhau thì lại trở nên rất hệ trọng, bóp méo sự thật chỉ vì lợi ích không trong sáng nào đó.
Tuy nhiên, những chuyện như thế khó có thể xảy ra ở những nơi mà cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy luôn công tâm, trong sáng và bản lĩnh. Cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy mà công tâm, trong sáng và bản lĩnh thì chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh. Muốn thế thì không có sự lựa chọn nào hơn là các đảng viên trong cơ sở Đảng phải cùng chung một chí hướng, đoàn kết. Khi đã đoàn kết, họ sẽ biết tự phê bình và phê bình thế nào để đồng chí của mình tiến bộ, tập thể lớn mạnh.
Công tác cán bộ là công việc của các cấp ủy, trực tiếp là ban thường vụ, thường trực của các cấp ủy. Đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, dự nguồn... cho cơ sở Đảng đều là công việc của cấp ủy. Thật vui khi được sinh hoạt trong một cơ sở Đảng mà các đảng viên đều sống chan hòa, chia sẻ và cảm thông với nhau, cùng tin tưởng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy. Kinh nghiệm cho thấy ở môi trường như vậy thì việc tự phê bình hay phê bình luôn diễn ra sôi nổi, chất lượng và đặc biệt ý nghĩa.
Mai Lịch (đảng viên quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)