Thực hiện kế hoạch của Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tổ chức kiểm tra, sát hạch công chức cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, tính đến hết tháng 5-2020, có 7 đơn vị hoàn thành việc thí điểm tổ chức, kiểm tra sát hạch công chức.
Thí điểm tại 7 đơn vị
Cụ thể, việc thí điểm được triển khai tại: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Huyện ủy Tân Kỳ và UBND TP Vinh.
Tất cả công chức tham gia sát hạch đều phải qua 3 phần thi: Một là, trắc nghiệm kiến thức chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực đang quản lý… Hai là, thi giải quyết một tình huống sự việc thực tế liên quan hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Ba là, thi viết đề cương và bảo vệ đề cương đề án, chương trình, kế hoạch… phù hợp vị trí việc làm.
Kỳ thi sát hạch công chức tại Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, tổ chức tháng 6-2020 Ảnh: LÊ THANH
Nói về chủ trương tổ chức kiểm tra, sát hạch này, ông Lê Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, cho biết sau khi có chủ trương, MTTQ tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, công chức của đơn vị thi sát hạch. Việc sát hạch là rất cần thiết và ý nghĩa, giúp đơn vị đánh giá đúng năng lực của cán bộ, nhân viên.
Cụ thể, sau khi có kết quả của kỳ thi, đơn vị đã bố trí lại công việc cho 3 trưởng phòng, 2 phó phòng. Thực tế sau khi được phân công lại, hiệu suất công việc của các cán bộ này đều tốt hơn.
Nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Minh Sâm - Phó Phòng Tổng hợp và Chính sách cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc tổ chức kiểm tra trình độ công chức thông qua kỳ thi sát hạch.
Mục đích của kiểm tra, theo ông Sâm, là ngoài việc để kiểm tra hiểu biết của công chức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước thì còn có cơ sở để đánh giá đúng thực trạng trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, kỹ năng xử lý tình huống thực tế liên quan hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng soạn thảo văn bản theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Thông qua kỳ thi, giúp các đơn vị sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực công tác, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ theo yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Cũng theo ông Sâm, thông qua việc kiểm tra và sát hạch, cán bộ, công chức sẽ phải luôn học tập, tự nâng cao kiến thức, tránh được tâm lý đã vào biên chế, được bổ nhiệm chức vụ rồi thì không cần học hỏi thêm nữa.
Ông Hồ Đăng Tài, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, cho biết sau khi thí điểm tại 7 đơn vị nói trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã sơ kết, rút kinh nghiệm và đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhân rộng mô hình. Cụ thể, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đôn đốc chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức sát hạch công chức theo kế hoạch đề ra. Có sự điều chỉnh về mặt thời gian cho phù hợp thực tế. Các huyện, thành phố, thị xã phải tổ chức sát hạch xong trước ngày 15-11; các sở - ban - ngành cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30-7.
Về đối tượng sát hạch, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị không thực hiện đối với cán bộ, công chức dưới 2 năm công tác, công chức trong thời gian tập sự.
Trưởng, phó phòng đều phải tham gia
Theo Tỉnh ủy Nghệ An, đối tượng được kiểm tra, sát hạch kỳ này là các trưởng, phó phòng và tương đương trong các cơ quan Đảng, nhà nước; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện (trừ công chức là ủy viên ban thường vụ, cấp ủy cấp huyện và tương đương); công chức đang công tác ở các vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn nghiệp vụ, hiện giữ ngạch chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương trong các cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện.
Bình luận (0)