Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng và kiến quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự lấy nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân làm điểm xuất phát cho đường lối và chính sách của mình; coi hạnh phúc của nhân dân là lý tưởng để phấn đấu, tôn chỉ để hành động.
Cơ sở quyết định nhất
Nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân cũng chính là cơ sở quyết định nhất cho sự ra đời, lựa chọn những quyết sách chiến lược quan trọng của Đảng trong tất cả các thời kỳ sau đó.
Từ năm 1975, đất nước thực sự ở vào thời kỳ hòa bình, nhu cầu đời sống của nhân dân được nâng lên về mọi mặt nhưng hậu quả của chiến tranh cùng với những hạn chế, sai lầm trong đường lối, chính sách thời kỳ 10 năm sau giải phóng đã đặt ra cho Đảng đòi hỏi gay gắt là cần phải đổi mới.
Đổi mới lúc này không phải chỉ để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng mà thực chất là để đem lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân.
TP HCM phát triển, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, luôn là mong ước của người dânẢnh: HOÀNG TRIỀU
Nhận thức được điều đó, Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986) của Đảng đã rút ra bài học sâu sắc từ thực tiễn là: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc", "Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng".
Từ đó đến nay, trải qua 35 năm đổi mới, với những thành tựu để "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" thì đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên về mọi mặt, tầm vóc và vị thế con người Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản.
Hạnh phúc của nhân dân vì thế cũng được nhận diện cụ thể hơn qua sự tăng trưởng của kinh tế đất nước; sự ổn định của an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; sự tiến bộ của văn hóa, giáo dục; sự công bằng trong từng chính sách phát triển.
Ngoài ra, hạnh phúc của nhân dân còn được thể hiện qua sự hài lòng của chính người dân về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội và sự hài lòng về bản thân được đánh giá qua những tiêu chí cụ thể và khoa học.
Hiện thực hóa khát vọng
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa hạnh phúc của nhân dân trở thành mục tiêu trong hoạt động của Đảng, với các quan điểm "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", "lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu", "nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân", thực chất là sự khẳng định một mục tiêu có tính nền tảng, cốt lõi trong đường lối lãnh đạo xuyên suốt lịch sử 91 năm kể từ khi ra đời của Đảng.
Khẳng định lại điều này trong bối cảnh hiện nay còn cho thấy khát vọng của nhân dân cũng chính là lý tưởng của Đảng. Đường lối lãnh đạo của Đảng chính là sự hiện thực hóa khát vọng đó qua từng thời kỳ khác nhau, vì vậy sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành với từng bước tiến của dân tộc.
Hơn thế nữa, việc khẳng định hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng còn có ý nghĩa định hướng rất quan trọng cho hoạt động của các tổ chức Đảng và toàn bộ đội ngũ đảng viên của Đảng. Chúng ta cũng có thể lấy một số đơn cử qua văn kiện tại đại hội vừa qua của Đảng bộ một số địa phương.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM (tháng 10-2020) chẳng hạn, cụm từ "vì hạnh phúc của nhân dân" được đưa vào tiêu đề của Báo cáo chính trị và trở thành mục tiêu trong lãnh đạo của Đảng bộ TP.
Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, một chỉ tiêu rất mới được đưa ra là: Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020. Mục tiêu mới này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá rất cao không chỉ của trung ương mà còn cả đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
Điều này cho thấy một điều tất yếu là mọi sự lãnh đạo của Đảng cuối cùng cũng là vì hạnh phúc của nhân dân. Đặt lên hàng đầu mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân còn là cơ sở đặc biệt quan trọng để tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức và đạo đức trong giai đoạn hiện nay.
Qua đó, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên trước nhân dân; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, nhất là tình trạng quan liêu, vô cảm, thờ ơ trước nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Tiêu chí quyết định trong lựa chọn, bổ nhiệm
"Vì hạnh phúc của nhân dân" còn phải được xem là tiêu chí quyết định trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp. Đồng thời cũng là cơ sở để Đảng kiên quyết loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phản bội lại niềm tin của nhân dân.
Nếu chúng ta làm tốt được như vậy thì mục tiêu "vì hạnh phúc của nhân dân" mới thực sự bền vững, mới đáp ứng được mong muốn của nhân dân một cách trọn vẹn không chỉ trên phương diện vật chất mà còn là tinh thần và văn hóa.
Ý kiến: Giữ vững "thế trận lòng dân"
Xét về tổng quan, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở trong những năm qua theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" đã thực sự phát huy hiệu quả. Các địa phương và cơ quan chức năng chú trọng công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc duy trì thường xuyên các giải pháp phát huy QCDC, qua đó đã tạo dựng bầu không khí phấn khởi, cởi mở, tin tưởng trong các khu dân cư, hệ thống cơ quan công quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể chính trị - xã hội...
Ở đâu có người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm đến vấn đề thực hiện QCDC thì ở nơi đó phong trào thi đua yêu nước sẽ liên tục được khơi dậy sôi nổi, tạo không khí hào hứng, kích hoạt được tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo tăng năng suất. Chính việc triển khai xây dựng và thực hiện tốt QCDC nên trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2020 vừa qua, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trước đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhưng bằng sự đoàn kết, nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà nước ta vẫn đạt nhiều thành quả trong thực hiện 2 nhiệm vụ kép: Phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong thắng lợi kép này, có nguyên nhân sâu xa mang tính cốt lõi là QCDC đã được phát huy đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả.
Qua thời gian triển khai xây dựng và thực hiện QCDC, có thể rút ra một số vấn đề có tính nguyên tắc là: Khi ban hành nội dung QCDC thì dứt khoát phải thực hiện cho bằng được theo yêu cầu phải công khai, minh bạch, đầy đủ, không được cắt xén hoặc làm lướt theo kiểu làm cho có lệ hoặc làm để đối phó. Thực tiễn cho thấy nhiều nơi để xảy ra tình trạng tố cáo, khiếu kiện tập thể kéo dài, tranh chấp dân sự phức tạp để lại nhiều hậu quả khó lường, kể cả dẫn đến tình trạng mất cán bộ, đảng viên là do QCDC không được đề cao. Nguy hiểm hơn, do không thực hiện tốt QCDC nên để quần chúng giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
QCDC giống như một "tấm lá chắn" vững chắc, bảo vệ sự trong sáng của các mối quan hệ cộng đồng, góp phần phát hiện, tố giác những hành vi tiêu cực gây phương hại đến lợi ích kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến an ninh quốc phòng, kịp thời vạch mặt những phần tử xấu lợi dụng thực hiện ý đồ tham vọng chính trị theo kiểu dân chủ hình thức, dân chủ mị dân hoặc dân chủ quá trớn...
Vì thế, từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải xem QCDC như là một cẩm nang nhằm thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy và chính quyền lấy đó làm kim chỉ nam cho việc đề ra các chủ trương, quyết sách hướng về nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết. Có như thế mới góp phần giữ vững "thế trận lòng dân"!
Mai Lịch (cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)