Ở tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, công tác dân vận khéo được đẩy mạnh từ các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó áp dụng thi đua đăng ký xây dựng mô hình dân vận khéo đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Tiêu chí bình xét thi đua
Từ chủ trương này, tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, lấy kết quả đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp làm tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua.
Dân vận khéo góp phần phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng
Sự phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan nhà nước với Ban Dân vận các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khá nhịp nhàng, đạt nhiều kết quả quan trọng; phong trào dân vận khéo được đẩy mạnh, có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng.
Đơn cử như mô hình dân vận khéo, vận động người dân và nhà nước cùng bê-tông hóa đường nông thôn; các cấp hội phụ nữ gắn phong trào thi đua dân vận khéo với việc dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"…
Có tuyến đường bê-tông dài hàng trăm mét, rộng 3,5 m, dày 20 cm, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng, làm từ mô hình dân vận khéo, xe chở nông sản chạy bon bon từ đồng về nhà, bà con nông dân tại thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, mừng rơi nước mắt.
Từ trụ sở UBND xã An Nhơn, ông Bùi Trung Văn, Phó Chủ tịch UBND xã, dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông rộng thênh thang, hai bên đường là những khóm hoa nở rực rỡ xen giữa cánh đồng lúa bát ngát đã chuẩn bị gặt.
Bà Trương Thị Thơ (67 tuổi, ngụ xã An Nhơn) xúc động: "Nhà nước cùng người dân hoàn thành con đường bê-tông sau bao năm đợi chờ. Đây là niềm vui lớn. Người dân được đi lại dễ dàng, hết sình lầy, phát triển chăn nuôi, trồng trọt thuận tiện".
Không giấu được tự hào khi nói về thành quả từ mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Đỗ Mạnh Việt (59 tuổi, ngụ xã An Nhơn), người nhiều lần hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường nông thôn, hồ hởi bày tỏ: "Cuộc sống của bà con nơi đây đang đổi thay từng ngày, không còn những con đường đất lầy lội hay chìm trong bóng đêm. Giờ đây là những con đường kiên cố hóa, đèn điện chiếu sáng tận cổng nhà. Con cháu đến trường thuận tiện".
Nhân rộng mô hình điểm
Chia sẻ niềm vui cùng bà con nông dân, ông Bùi Trung Văn tự hào: "Đường bê- tông ở thôn 4 là kết quả của mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở địa phương".
Xã An Nhơn có những chính sách hỗ trợ vật tư, công dân bỏ công sức lao động, phối hợp cùng làm, nhằm góp phần thuận lợi phát triển kinh tế cho bà con. Sự đồng thuận của người dân nơi đây được xem là mô hình điểm để triển khai nhân rộng ra các nơi khác, tạo diện mạo nông thôn xanh sạch đẹp.
Không riêng huyện nghèo Đạ Tẻh, ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc cũng đã tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức, thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới"; thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027" gắn với đẩy mạnh "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"...
Theo bà Nguyễn Bùi Thị Minh Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc, thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần nâng tầm các mô hình "Vì thành phố xanh, sạch, đẹp", "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt", hạn chế sử dụng túi ni-lông và "Nói không với rác thải nhựa"... Riêng với công tác chống rác thải nhựa, chống biến đổi khí hậu, hội đã triển khai thực hiện bằng nhiều mô hình ý nghĩa như đi chợ bằng làn (giỏ), ngôi nhà sạch đẹp, tuyến đường hoa, trồng cây xanh phân tán... thu hút đông đảo hội viên, người dân tham gia.
Nền tảng để thu hút sức mạnh tổng hợp
Ông Lê Minh Quang, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết tỉnh này đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa tăng cường phòng chống dịch Covid- 19. Để làm tốt các nhiệm vụ này, tỉnh đã đẩy mạnh công tác dân vận khéo, lấy đó làm nền tảng để thu hút sức mạnh tổng hợp từ cán bộ, nhân dân và các lực lượng.
Hiện Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả phân loại công tác dân vận của chính quyền năm 2021 đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2014 - 2021, ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026. Tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Bình luận (0)