Hai năm nay má không còn khỏe. Các con ở xa lúc má đau bệnh mới vội vã quay về và cũng vội vã trở lên TP HCM khi má vừa khỏe lại. Đứa nào cũng vướng víu việc chung, việc riêng và đứa nào cũng thấy day dứt bởi thời gian dành cho đấng sinh thành quá ít. Rồi chị em ngoéo tay nhau, ai có thể thu xếp việc là về ngay với má...
Chiếc xuồng lé đé nước của má
Ba tôi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Mảnh đất cha ông mà ngoại tôi, má tôi, cậu dì tôi lớn lên và sinh sống lại lọt vào vùng tạm chiếm, nơi đó trở thành ấp chiến lược của chính quyền miền Nam Việt Nam Cộng hòa. Là vợ của "Việt cộng" nên má tôi phải đùm túm mấy đứa con nhỏ, mùng mền, xoong nồi rời nhà cửa, bỏ đất đai, lặng lẽ ra đi trong đêm. Tôi còn nhớ mang máng tiếng mái chèo khuya trên mặt sông loang loáng ánh lân tinh dưới bầu trời rải rác những vì sao.
Má tôi được chính quyền vùng kháng chiến giúp cất ngôi nhà sàn mái bằng lá dừa nước. Ngôi nhà sàn cất dưới tán cây rừng và quay ra mặt sông tại một ngã ba sông ở ấp Bàu Hầm. Một mình má chèo những chuyến xuồng chở tre, trúc, sậy… từ đâu đó tôi không rõ, bằng chiếc xuồng lé đé nước, bà chèo xuồng cả ngày trời mới về tới nhà. Khuya sớm một mình, với vật liệu có được, má tôi cặm cụi bện đó làm đăng. Rồi một cái đó được đặt xuống dòng sông để bắt tôm, bắt cá.
Cá tôm lúc đó nhiều vô số. Có con nước "dậy tôm" mỗi lần má gồng lưng kéo đó lên xuồng, chiếc xuồng suýt chìm vì trọng lượng cá tôm trong đó. Không ít lần, cá ngát nguyên bầy dẫn nhau chui vào đó. Má tôi khó nhọc kéo đó đầy cá lên. Rồi má buộc sợi dây vào từng con cá và chèo xuồng đưa tôi và đứa em trai tôi cùng lũ cá sang bên kia bờ sông. Tôi và thằng em vừa lên bảy, kéo lệt xệt những con cá ngát to dài đi đến từng nhà ở đầu trên xóm dưới để tặng cho họ.
Sống giữa mênh mông sông nước nhưng má tôi không biết bơi. Trên chiếc xuồng nhỏ lúc nào cũng có cái can nhựa rỗng màu trắng, nó làm chiếc phao cho má tôi - một cán bộ của hội phụ nữ, một nông dân, một nữ hộ sinh, một bà đỡ đẻ mà người dân một vùng sông nước quen gọi là "bà mụ Tư" hay "bà mụ Tư Mãnh" dù ngày đó má mới hơn 30 tuổi.
Má vừa làm công tác đoàn thể vừa làm người đỡ đẻ cho khắp một vùng sông nước. Ngôi nhà sàn biệt lập bên ngã ba sông, nép dưới cánh rừng âm u. Cũng vì biệt lập lại ở ngay ngã ba sông mà ngôi nhà của má thành điểm dừng chân của nhiều đoàn quân giải phóng và cũng là địa điểm lọt vào ống nhòm từ trực thăng. Nhà 2 lần bị bom thiêu cháy và 2 lần má làm lại nhà trên nền nhà cũ.
Chín tuổi, tôi làm chị 2 đứa em trai - đứa lên bảy, đứa lên hai. Mà đâu chỉ làm chị. Có lúc tôi còn làm mẹ của đứa em lên hai. Thức đêm hôm, ẵm bồng, chiều chuộng, hát ầu ơ, ăn uống, giặt giũ. Nhưng tôi không cảm thấy vất vả. Bởi tôi muốn chia sẻ nhọc nhằn với má và tôi yêu thương các em tôi. Chúng cũng như tôi, cứ nơm nớp sợ. Sợ sông sâu. Sợ dòng chảy xiết. Sợ rừng rậm. Sợ rắn, sợ rết, sợ muỗi, sợ con bù mắt… rồi sợ đêm đen, sợ ma, sợ tiếng máy bay quần đảo trên đầu. Sợ cha mình không còn được trở về, sợ không dám nói ra nỗi sợ lúc nào như cũng bóp nghẹt trái tim trong lồng ngực non nớt, là sợ không nghe thấy tiếng mái chèo của má. Sợ con sóng dữ nhấn chìm chiếc xuồng lé đé nước của má…
Bà mụ Tư
Bất kể giờ giấc, bất chấp đêm hay ngày, nắng hay mưa, nước ròng hay nước lớn, kể cả máy bay quần đảo trên đầu, má luôn sẵn sàng. Nếu sản phụ ở xa và trở dạ vào ban đêm, má kéo cả 3 đứa con lóc nhóc theo cùng. Có lần, đến đâu đó ở vùng khai hoang đồng không mông quạnh, căn chòi mà người đàn bà đang rên la trong cơn đau đẻ chỉ có chiếc giường tre duy nhất, tôi phải kéo 2 đứa em ra ngoài, ôm chúng trong bóng đêm với bầy muỗi đói, hồi hộp chờ tiếng khóc của đứa trẻ được chào đời.
Có lần má được người nhà của sản phụ rước đi từ sáng sớm nên má để lũ con ở nhà. Không ngờ lại gặp ca đẻ khó, đến đêm khuya má mới về nhà. Lúc má về đến nhà, thằng út mới 2 tuổi đang lên cơn sốt. Má luôn bình tĩnh trước mọi tình huống và là một chiến binh quả cảm. Má tiêm cho thằng con mũi thuốc nhưng nó vẫn sốt cao và co giật. Dù là một nữ hộ sinh cừ, trong lúc cơn co giật của thằng bé không dứt, má chỉ vào con mèo mướp, bảo tôi và đứa em kế bắt nó lại, đè nó xuống, bà sẽ mổ lấy cái mật. Mật mèo mát có tác dụng làm dịu cơn nóng. Tôi nghe lời má. Tiến về phía con mèo. Trong ánh đèn dầu với quầng sáng mờ mờ, tôi thấy ánh mắt sáng như ánh sao của nó. Ánh sao nơi mắt mèo làm tôi lùi lại. Tôi vội kéo thằng em kế xuống xuồng, bơi qua sông sâu. Vừa bơi vừa réo vang cả khúc sông tên người đàn bà cắt lể nổi tiếng của xóm. Khi đưa được bà cắt lể về tới bến sông trước nhà, tôi nghe tiếng em tôi: "Chế Hai ơi, má làm em bớt nóng rồi!". Nước mắt lã chã, tôi nhào tới ôm đứa em bé bỏng vào lòng.
Khi em tôi dịu được cơn nóng, dưới bến sông lại có tiếng xuồng khua cùng tiếng gọi hớt hải: "Chế Tư Mãnh ơi, mau mau cứu vợ em!".
Hôm chị em tôi về thăm má, nhắc lại chuyện má làm bà mụ năm xưa. Bà tần ngần, lần tay đếm đi đếm lại một hồi rồi nói: "Má đỡ đẻ chắc có hơn 300 đứa. Có 7 đứa thò cái chân ra trước".
Cây đàn măng-đô-lin và ngôi nhà nhỏ
Suốt năm tháng tuổi thơ, chị em chúng tôi ít khi được má đung đưa chiếc võng và hát ru như bao người mẹ khác. Bù lại, tôi và các em được nghe má đánh đàn. Những bản nhạc chị em tôi ngấm từ tấm bé và vẫn nhớ như in dáng ngồi của má khi ôm đàn, có lúc má hát theo tiếng đàn, những khúc hát đi cùng năm tháng: "Lá xanh", "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Nhạc rừng", "Lên ngàn", "Bài ca hy vọng", "Qua sông", "Con thuyền không bến", "Suối mơ"…
Cây đàn măng-đô-lin của má không rõ má có được từ lúc nào và tiếng đàn lúc sôi nổi giòn giã, lúc réo rắt thiết tha của má dường như là mặc nhiên từ má, của má, của người đàn bà mà sự kiên cường, mạnh mẽ buộc phải có để vượt thoát nghịch cảnh, chu toàn việc riêng, việc chung, bằng tất cả nghị lực của trái tim yêu thương và cho đi sự yêu thương, tất cả còn được gửi gắm vào tiếng đàn…
Dù là ngôi nhà vách lá trước kia và sau này là nhà vách tường, cây đàn măng-đô-lin của má vẫn treo trên vách, trên tường, trong tầm tay của má. Cái giá nhạc đơn sơ cũng đặt trước mặt má. Quyển sổ chép nhạc của má với nét chữ không thể lẫn với nét chữ của bất cứ ai. Nét chữ từ bàn tay vừa dịu dàng vừa rắn rỏi của bà mụ đỡ đẻ.
Ba tôi vĩnh viễn ra đi đã gần 12 năm. Tất cả dường như vẫn không có gì thay đổi. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ vẫn nằm trong khuôn viên rộng. Má cho sửa sang lại nhà. Chủ yếu là làm lại cái sân. Từ nền xi măng, má cho lót gạch và cái sân cũng được mở rộng hơn để cho các cô, các chị ở phường xóm đến tập văn nghệ, tập dưỡng sinh mỗi sớm, mỗi chiều. Má cho sơn lại tường và cửa. Và má cho gỡ rèm xuống, để lúc đôi chân không còn khỏe, khi ngồi trên giường ngủ bà vẫn có thể nhìn ngắm được những gương mặt thân quen cùng những hoạt động bền bỉ diễn ra trên sân nhà.
Suốt bao năm má sống với niềm vui tận tụy lo cho mọi người trong khả năng có được của mình. Đàn, hát, tổ chức và duy trì sinh hoạt tập dưỡng sinh, văn nghệ, bảo ban, chăm sóc nhau không chỉ về tinh thần.
Sau 2 lần bệnh nặng, sức khỏe má đã không thể tham gia các hoạt động văn - thể - mỹ như trước đây. Tuy vậy, 4 giờ rưỡi sáng, các cô, các chị vẫn giữ nếp sinh hoạt lâu nay, vẫn tập những bài tập dưỡng sinh theo tiếng nhạc, theo bài hát từ "dàn âm thanh" đã mòn dấu tay của má, trên khoảnh sân của má và trong sự chăm chút lặng lẽ của má.
Mấy ngày chị em tôi về thăm má trôi qua thật nhanh. Má bước đi khó nhọc để ra cổng nhà tiễn các con lên xe. Ngoái lại, má vẫn đứng nhìn theo chiếc xe chở các con về lại TP HCM, lòng tôi nhoi nhói niềm thương. Trên chuyến xe đầu năm, tôi bấm vào phím chữ điện thoại:
Tạm biệt mẹ, lại sống trong cách trở/ tự dối lòng không khoảng cách trái tim/ mẹ già yếu, chiếc xuồng con chở khẳm/ gió thổi liên hồi từ phía thời gian.
Bình luận (0)