Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Ông đánh giá Báo Người Lao Động đã thực hiện rất tốt việc chăm lo cho đời sống, việc làm của người lao động và công nhân - lao động. Riêng đối với văn nghệ sĩ và đời sống văn hóa nghệ thuật, Giải Mai Vàng của báo đã bước vào tuổi 28, rất nhiều văn nghệ sĩ được trao Giải Mai Vàng và tiếp tục cống hiến, tận tụy với nghề, xứng đáng với sự bình chọn của bạn đọc dành cho mình thông qua mỗi sáng tác, vai diễn hằng năm.
"Tôi theo dõi Giải Mai Vàng từ những năm còn tổ chức tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên và Công viên Văn hóa Đầm Sen, đến nay có thêm chương trình "Mai Vàng nhân ái" - chăm lo cho văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và thăm hỏi, động viên các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đây là một chương trình rất hay và có ý nghĩa" - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho biết.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến (thứ hai từ trái sang) nhận hỗ trợ từ chương trình “Mai Vàng nhân ái”. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến là người con của vùng đất Quảng Ngãi. Năm 1970, ông tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" cùng với các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh... và ông cũng là một trong những thành viên chủ chốt của phong trào này cho đến ngày đất nước thống nhất.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến là cựu Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM. Ông đóng góp cho phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" nhiều bài hát, gồm: "Chim hòa bình", "Dâng hoa cho nước", "Em gái văn khoa", "Học đánh vần"... Nhiều người còn biết đến ông qua nhiều ca khúc dạt dào tình cảm, ca ngợi thành phố mang tên Bác như: "Thành phố màu xanh", "Thành phố Bác Hồ - Thành phố của em", "Hành khúc sinh viên"... Trong số đó còn có bài "Ba lý duyên tình" - ca khúc được nhiều người biết đến nhất.
Bình luận (0)