Nhạc sĩ của "Vầng trăng cổ nhạc"
Là con trai thứ sáu của NSND - soạn giả Viễn Châu, nhạc sĩ Trương Minh Châu (62 tuổi) là người gắn bó với hai chương trình "Vầng trăng cổ nhạc" và "Chuông vàng vọng cổ" do HTV tổ chức nhiều năm liền. Tên tuổi của ông được giới mộ điệu ca cổ và sân khấu cải lương yêu thích. Không chỉ có ngón đờn tuyệt vời như cha, ông còn tham gia sáng tác những bài ca cổ, chặp cải lương, kịch bản sân khấu phục vụ cho việc dàn dựng để biểu diễn, phát sóng trên màn ảnh nhỏ.
Đại diện chương trình Mai Vàng nhân ái đã trao tiền hỗ trợ cho nhạc sĩ Trương Minh Châu và nghệ sĩ xiếc Đông Mai tại Hội Sân khấu TP HCM.
Nhìn lại thành quả của cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" sau 16 năm, ông hãnh diện vì sân khấu TP HCM có những nhạc sĩ cổ nhạc tuyệt vời, họ gắn bó với cuộc thi và hết lòng nâng đỡ các thí sinh qua mỗi vòng thi.
""Vầng trăng cổ nhạc" và "Chuông vàng vọng cổ" có lượng rating cao, thu hút đông đảo người xem đã thực sự nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết của số đông tác giả, nghệ sĩ và nhạc sĩ cùng sáng tác, tìm kiếm nhiều tác phẩm hay hơn để phục vụ công chúng" - nhạc sĩ Trương Minh Châu bày tỏ.
Đại diện chương trình "Mai vàng nhân ái" đã trao tiền hỗ trợ cho nhạc sĩ Trương Minh Châu tại Hội Sân khấu TP HCM.
Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ Trương Minh Châu đã bày tỏ lòng biết ơn. Ông cho rằng sự quan tâm của Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á đã động viên các nhạc sĩ cổ nhạc vượt qua những khó khăn trong đời sống bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Bản thân ông bị tai nạn giao thông gãy chân trái và thay khớp nhân tạo cho nên đã phải ngừng việc sáng tác, biểu diễn nhạc cụ nhiều tháng. Sau khi ông đã hồi phục và có thể trở lại với công việc thì dịch bệnh lại ập tới, đời sống rất khó khăn.
"Tôi cảm kích vô cùng trước sự quan tâm, chăm lo cho đời sống các văn nghệ sĩ trên cả nước của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Xin cảm ơn sâu sắc và chúc chương trình ngày càng phát huy, lan tỏa được tinh thần tích cực để văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ có động lực lao động nghệ thuật" - nhạc sĩ Trương Minh Châu nói.
Nghệ sĩ xiếc Đông Mai: một thời tung hứng trên đôi chân vững chắc
Kể về những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của đời nghệ sĩ xiếc, nghệ sĩ Đông Mai (65 tuổi) đã nhấn mạnh cụm từ "tận hiến đời mình" để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng khi xem nghệ thuật xiếc.
Gắn bó với nghề từ lúc còn nhỏ khi cả nhà đều sống bằng nghề xiếc. Mẹ của bà là bà Nguyễn Thị Lan - chủ gánh xiếc Độc Lập.
Khi còn trẻ, bà được mệnh danh là "nữ hoàng chạy sô tung hứng". Vì ngoài công việc biểu diễn tại Đoàn xiếc TP HCM, nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chị nhận được lời mời của nhiều bầu show ca múa nhạc, sự kiện, lễ hội, nên cứ mỗi tối chị và đứa cháu gái chạy đi diễn khắp nơi.
Đại diện chương trình Mai vàng nhân ái đã trao tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ xiếc Đông Mai tại Hội Sân khấu TP HCM.
Nhưng từ khi bị bệnh mờ mắt và thấp khớp, chị đã rời xa nghề tung hứng, rồi đến tuổi về hưu, bệnh tật khiến chị khó nhọc trong việc di chuyển.
"Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đối với tôi, số phận của người nghệ sĩ xiếc trong đời thực rất chua xót, thăng trầm gấp bội những ngành nghề khác. Thành công của người nghệ sĩ xiếc bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu đổ khi bị tai nạn, nhưng lòng yêu nghề vẫn hiện diện sâu sắc" – nghệ sĩ Đông Mai tâm sự.
Bà cho rằng độ tuổi tốt nhất để đào tạo lớp diễn viên xiết là từ 10 - 14 tuổi. Tuy nhiên, việc thuyết phục phụ huynh gửi con vào trường xiếc gặp rất nhiều trở ngại. Nếu năm rồi, ngày càng hiếm diễn viên trẻ chịu theo nghề xiếc để đào tạo thì giờ đây, có ai chịu đăng ký học đã mừng.
"Có những người trẻ đến với xiếc vì đam mê, nhưng cuối cùng phải rời đi vì nhu cầu mưu sinh. Họ sống không nổi với đồng lương trong thời điểm này nên đành bỏ ngang. Nghề xiếc, vinh quang đi liền với gian nan, có đam mê chưa đủ, phải bản lĩnh chấp nhận khổ cực. Hiện nay, sống giữa hằng hà những loại hình giải trí khác, lại còn thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nghề xiếc đã buồn, hoàn cảnh lại càng buồn thêm. Tôi mong sớm có những chính sách phù hợp để chiêu mộ được người trẻ đến với nghề xiếc, để khi tôi còn khỏe, còn truyền được ngọn lửa nghề đến nhiều thế hệ mai sau" - nghệ sĩ Đông Mai nói.
Bình luận (0)