Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho ba nghệ sĩ: Công Minh, Thái Ngọc Sơn và đại diện gia đình nhà giáo - nghệ sĩ Thanh Tùng
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao hỗ trợ số tiền đến ba nghệ sĩ, mỗi người nhận được 5 triệu đồng.
88 tuổi vẫn mong được sáng tác
Nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn sinh năm 1934. Có năng khiếu ca hát, ông đã được nghệ sĩ Trần Văn Trạch – em trai của GSTS Trần Văn Khê mời hát. Đến năm 1960, ông phát huy năng khiếu sáng tác những ca khúc trữ tình và được Hãng dĩa nhựa Continental mời cộng tác.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân đã từng nhận xét nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn là người tài hoa, ngoài hát, sáng tác còn vẽ rất đẹp, ông đã từng được mời vẽ minh họa cho các tạp chí Sài Gòn trước 1975. Bên cạnh đó, ông còn là diễn viên đóng phim, viết nhạc cho một số phim thời đó như: "Như giọt sương khuya", "Như giọt mưa rơi", "Vực nước mắt"...
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn
Ông có nhiều sáng tác được khán giả yêu thích như: "Tơ duyên", "Trầu cau", "Màu hoa thương nhớ", "Giọt buồn xứ Huế", "Cánh Mimosa", "Đường ta đi gấm hoa tuyệt vời", "Làm quen", "Suýt thành hoa hậu"… Ông đã cùng đạo diễn Yên Sơn sáng tác các bài "Tân cổ giao duyên" như: "Ăn khế trả vàng", "Đầu năm đi lễ", "Dây chuông oan nghiệt"… Ông còn lấn sân sang lĩnh vực hài kịch với tiết mục "Ba vợ" được khán giả sân khấu yêu thích.
Về sáng tác ảnh nghệ thuật, ông là người thích chụp ảnh chân dung và phong cảnh. Ông đã từng phối hợp với nhiếp ảnh gia Lữ Đắc Long tổ chức 4 đợt triển lãm ảnh nghệ thuật 3D được khán giả và đồng nghiệp khen ngợi. "Toàn bộ số tiền bán ảnh 3D vừa qua, chúng tôi đã trao tặng cho các đối tượng đang cần sự giúp đỡ như trẻ em mồ côi, người già yếu neo đơn, bà con Việt kiều ở biên giới Campuchia… Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều đợt triển lãm nữa" - nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn cho biết.
Nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn
Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn xúc động bày tỏ: "Năm nay tôi đã 88 tuổi, vẫn còn muốn được đi sáng tác ảnh và viết ca khúc. Trong đợt bùng phát dịch cao điểm, nhà tôi có 4 người bị F0. Tôi đã dùng âm nhạc để trấn an nỗi lo sợ. Tôi cũng đã viết ca khúc "Sài Gòn ơi!" ca ngợi sự kiên cường của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Hôm nay xúc động lắm khi nhận được món quà của "Mai Vàng nhân ái", đây là niềm vui giúp cho tôi thêm động lực để tiếp tục sáng tác".
Nối nghiệp gia đình là điều hạnh phúc
Nghệ sĩ Công Minh là người em thứ 9 của NSND Thanh Tòng. Ông là con trai của ông bầu Minh Tơ – thuộc gia tộc Vĩnh Xuân Ban, một trong ngũ đại gia tộc của sân khấu cải lương miền Nam. Cũng như các chị, các anh, 12 tuổi nghệ sĩ Công Minh đã được lên sân khấu đóng vai quân sĩ, sau đó ông từng bước tìm kiếm sở trường để tạo tên tuổi. Và khác với con đường các anh chị đã đi, ông chọn sở trường kép độc, chuyên đóng các vai phản diện, tính cách trên sân khấu cải lương tuồng cổ.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ Công Minh
Nghệ sĩ Công Minh nổi tiếng với các vai: Tào Tháo (vở "Tờ huyết thệ", hay còn gọi "Mã Siêu báo phụ cừu"), Quách Hòe (vở "Bích Vân Cung kỳ án"), vai thái giám (vở "Tô Hiến Thành xử án")…Không chỉ chuyên đóng vai phụ mà nghệ sĩ Công Minh còn đóng vai ác, bị khán giả ghét nhưng ông vẫn cống hiến miệt mài, không chỉ tạo uy tín cho gia tộc, ông còn truyền nghề cho con cháu.
Nghệ sĩ Công Minh vai Tào Tháo
Hiện nay, ông là trưởng Đoàn Minh Tơ, diễn tại sân khấu Sen Việt – Hội Sân khấu TP HCM. Sau thành công của vở "Lưu Bị cầu hôn giang tả", ông đang chuẩn bị dàn dựng vở "Thanh gươm nữ tướng" đề tài lịch sử Việt Nam để phục vụ công chúng. "Tôi cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao hỗ trợ, đây là niềm vui trong giai đoạn khó khăn. Là nghệ sĩ do dịch bệnh phải rời xa sân khấu, chúng tôi rất buồn, đời sống thu nhập bị giảm, do vậy sự quan tâm kịp thời của "Mai Vàng nhân ái" thật ấm lòng. Tôi nguyện phụng sự Tổ nghiệp, vì được nối nghiệp gia đình là điều hạnh phúc. Anh trai tôi - cố NSND Thanh Tòng và các cháu tôi: Quế Trân, Tú Sương đã từng được bạn đọc Báo Người Lao Động trao giải Mai Vàng, nên tôi rất trân quý chương trình "Mai Vàng nhân ái" – Nghệ sĩ Công Minh bày tỏ.
Cả đời gắn bó với bục giảng
Nhà giáo – nghệ sĩ Thanh Tùng sinh năm 1940, ông đã có hơn 50 năm gắn bó với bục giảng và sàn diễn trong vai trò một kép chánh trên sân khấu Đoàn cải lương Nam Bộ.
Nhà giáo - Nghệ sĩ Thanh Tùng (cựu giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM)
NSƯT Ca Lê Hồng cho biết nghệ sĩ Thanh Tùng trước khi trở thành nhà giáo đã từng là kép chánh. "Anh ấy ca diễn chững chạc, vóc dáng đẹp sân khấu, đóng chánh trong nhiều vở nổi tiếng thời đó như: "Dệt gấm", "Đâu có giặc là ta cứ đi", "Lá cờ kháng chiến"…"Nghệ sĩ Thanh Tùng là tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật" – NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.
NSƯT Ca Lê Hồng kể sau ngày đất nước thống nhất, bà được phân công vào Nam làm hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II – nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Khi đó, bà đã mời nghệ sĩ Thanh Tùng vào TP HCM giảng dạy. Chính duyên may này đã kết nối ông với bục giảng. Ông đã đem kiến thức truyền đến thế hệ diễn viên trẻ, trong số đó có người đến nay đã gắn bó với nghề, thành công và được công chúng yêu thích.
Nghệ sĩ Hồ Hồng Thắm - con dâu của nhà giáo - nghệ sĩ Thanh Tùng đại diện nhân tiền hỗ trợ
Do tuổi cao, sức yếu, nghệ sĩ Thanh Tùng đang điều trị bệnh tai biến, con dâu của ông là nghệ sĩ Hồ Hồng Thắm (HCV Giải Trần Hữu Trang năm 2001) – hiện là giảng viên khoa kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã nhận thay cha.
Nghệ sĩ Hồ Hồng Thắm cho biết: "Ba chồng tôi bị bệnh tai biến từ năm 2007 đến nay, khi nghe tin chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ, ông đã xúc động khóc. Xin đại diện gia đình cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" và mong chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng, tạo sức lan tỏa lớn đến khắp mọi miền đất nước, nơi mà nhiều văn nghệ sĩ đang cần sự trợ giúp do bệnh tật, tai nạn" – nghệ sĩ Hồ Hồng Thắm chia sẻ.
Bình luận (0)